Những câu hỏi thường gặp trong kế toán

Dịch vụ kế toán tại Đồng Nai

Qua thống kê những tìm kiếm trên mạng về nghiệp vụ kế toán, chúng tôi phát hiện một số trường hợp thường khiến các nhân viên kế toán vất vả tìm cách giải quyết. Asadona cung cấp một số trường hợp thường gặp cho khách hàng của mình tham khảo khi cần.

 

1. Hàng hoá khuyến mại của Công ty có phải tính thuế GTGT không? Khi xuất hoá đơn lập như thế nào?

Trả lời:

Tại điểm 2.4a, Mục IV, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quản cáo, hàng mẫu: “Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu theo quy định của pháp luật thương mại về xúc tiến thương mại) thì phải lập hoá đơn GTGT, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu không thu tiền; dòng thuế suất thuế GTGT không ghi, gạch chéo.”

Căn cứ hướng dẫn trên thì hàng hoá dùng để khuyến mại không phải tính thuế GTGT. Khi lập hoá đơn GTGT, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại không thu tiền, dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo.

 

2. Sản phẩm xuất tiêu dùng nội bộ có phải lập hoá đơn GTGT và nộp thuế không?

Trả lời:

Theo hướng dẫn tại điểm 2.4 mục IV phần B Thông tư số: 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 thì:

Đối với hàng hóa dùng để tiêu dùng nội bộ thì phải lập hóa đơn GTGT (hoặc hóa đơn bán hàng), trên hóa đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hóa đơn xuất bán hàng hóa cho khách hàng. Trường hợp đơn vị xuất hàng hóa để tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị thì không phải xuất hóa đơn GTGT.

 

3. Bán hàng không lập hóa đơn xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Điều 14 Nghị định số 98/2007/CP ngày 7/06/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính Thuế qui định:

 

“Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận thì còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:

1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thực tế thanh toán của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế”

4. Hoá đơn của tháng trước do sơ xuất quên chưa kê khai của tháng đó có được kê khai vào tháng sau không?

 

Trả lời:

Căn cứ quy định tại điểm 1, Mục III, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính, thì: Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ còn sót hoá đơn hoặc chứng từ nộp thuế chưa kê khai, khấu trừ thì được kê khai, khấu trừ bổ sung; thời gian để kê khai, khấu trừ bổ sung tối đa là 6 (sáu) tháng, kể từ tháng phát sinh hoá đơn, chứng từ bỏ sót.

 

5. Điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng do ghi sai thuế suất thuế GTGT từ 0% lên 10% như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 2.9 Mục IV Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, quy định hoá đơn chứng từ mua bán hàng hoá, dịch vụ: “Cơ sở kinh doanh đã xuất bán, cung ứng hàng hoá, dịch vụ và lập hoá đơn do hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, quy cách, kiểu dáng hoặc ghi sai thuế suất phải điều chỉnh (tăng, giảm) giá bán, điều chỉnh thuế suất thuế GTGT thì bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hoá, mức giá tăng (giảm) theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn, thời gian), lý do tăng (giảm) giá, lý do điều chỉnh thuế suất đồng thời bên bán lập hoá đơn điều chỉnh mức giá được điều chỉnh. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) giá bán, (không được ghi số âm (-)), thuế GTGT cho hàng hoá, dịch vụ tại hoá đơn số, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Trường hợp thuế suất ghi trên hoá đơn bán ra cao hơn thuế suất quy định, nếu không xác định được người mua thì không được lập hoá đơn điều chỉnh thuế GTGT”;

 

Trường hợp Công ty đã xuất hoá đơn cho bên mua ghi sai thuế suất (Công ty ghi thuế suất 0%), thì Công ty và bên mua phải lập biên bản và hoá đơn điều chỉnh theo hướng dẫn trên.

 

6. Công ty A thuê Công ty B vận chuyển hàng hoá xuất khẩu đến Hy Lạp, nhưng phải dừng lại tại Singapore và quay về Việt Nam nên Công ty B đồng ý giảm giá cước cho Công ty A, Công ty B yêu cầu Công ty A xuất hoá đơn của số tiền giảm giá. Đề nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp này.

Trả lời:

Căn cứ điểm 2.9 mục IV phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC, đơn vị thuê vận chuyển và đơn vị vận chuyển phải lập biên bản điều chỉnh giảm giá theo hoá đơn GTGT ký hiệu …., số …., ngày … tháng… năm…, lý do điều chỉnh giảm giá và 2 bên ký tên, đóng dấu vào biên bản. Căn cứ vào biên bản, đơn vị vận chuyển (công ty B) xuất hoá đơn điều chỉnh giảm giá cho đơn vị thuê vận chuyển. Trên hoá đơn điều chỉnh ghi rõ điều chỉnh giảm giá cước vận chuyển (không được ghi số âm) tại hoá đơn số, ký hiệu…

 

Hoá đơn điều chỉnh là cơ sở để đơn vị vận chuyển điều chỉnh doanh số bán và thuế đầu ra (nếu có), và đơn vị thuê vận chuyển điều chỉnh doanh số mua và thuế đầu vào (nếu có)

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.