Vấn đề hoàn thuế GTGT

thue gtgt

Giải pháp chung cho vấn đề hoàn thuế GTGT

Mỗi giải pháp hạn chế gian lận hoàn thuế GTGT có ưu nhược điểm khác nhau, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, trước khi thử nghiệm. Sự lựa chọn giải pháp hạn chế gian lận hoàn thuế cần phải cân bằng giữa đặc thù kinh tế của thuế GTGT, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN và năng lực của cơ quan quản lý. Trên thế giới hiện nay đang áp dụng một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết sang các kỳ tiếp theo, thông thường là 3 đến 6 tháng nhưng không áp dụng đối với trường hợp xuất khẩu hoặc đặt ra ngưỡng tối thiểu về số thuế GTGT chưa khấu trừ hết (trên mức này mới được nộp đơn xin hoàn thuế). Thậm chí, có nước không hoàn thuế GTGT bằng tiền mà chỉ được bù trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo. Giải pháp này sẽ hạn chế được dòng tiền chi ra từ ngân sách, nhưng cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của DN, bởi Chính phủ sử dụng tiền của DN mà không phải trả lãi.

Thứ hai, bù trừ số thuế GTGT chưa khấu trừ hết với số thuế khác còn phải nộp của DN. Biện pháp này cũng nhằm hạn chế chi tiền ra từ ngân sách, song lại phức tạp cho cơ quan thuế khi theo dõi nghĩa vụ thuế của DN do bù trừ giữa các sắc thuế với nhau, nhất là những nước đang phát triển có trình độ quản lý thuế hạn chế.

Thứ ba, tạo cơ chế giảm bớt phát sinh thuế GTGT đầu vào đối với những trường hợp thường hay phát sinh hoàn thuế, nhất là khâu xuất khẩu. Theo đó, Ai Len cho phép DN có doanh thu xuất khẩu trên 75% tổng doanh thu, có thể đề nghị cơ quan thuế cho phép DN cung cấp được áp dụng thuế suất 0%. Hàn Quốc cho phép người bán hàng cho DN xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0% nếu được bảo lãnh về hàng hóa sẽ thực sự xuất khẩu ra nước ngoài… Biện pháp này có thể giảm bớt áp lực hoàn thuế GTGT ở khâu xuất khẩu cuối cùng, song lại phát sinh vấn đề hoàn thuế ở các khâu trước đó. Cho nên, việc sử dụng giải pháp này cần hết sức thận trọng khi năng lực quản lý của cơ quan thuế có hạn và chưa có chiến lược thanh tra thuế hữu hiệu.

Định hướng sửa đổi chính sách thuế GTGT

Ở Việt Nam, trong vài năm đầu áp dụng thuế GTGT đã xảy ra tình trạng gian lận hoàn thuế GTGT, đặc biệt đối với hàng nông sản xuất khẩu. Luật Thuế GTGT năm 1997 cho phép cơ sở sản xuất mua nông sản chưa qua chế biến của người sản xuất không có hóa đơn GTGT thì được khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ % (còn gọi là khấu trừ khống). Lợi dụng quy định này, các đối tượng đã khai khống về số lượng, quay vòng hàng xuất khẩu, lập hồ sơ hoàn thuế GTGT đầu vào, gây thất thoát cho NSNN. Năm 2002, gian lận hoàn thuế GTGT đòi hỏi cần ngay giải pháp tức thì, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Chính phủ cũng ban hành quy định chặt chẽ hơn về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng xuất khẩu thì phải thanh toán qua ngân hàng.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, thuế suất 0% được áp dụng với cả dịch vụ xuất khẩu, thay vì chỉ áp dụng đối với hàng hóa như Luật Thuế GTGT đầu tiên. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đã được củng cố chặt chẽ hơn. Luật Thuế GTGT năm 2008 bổ sung quy định, giao dịch mua hàng trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế GTGT. Đến năm 2012, trước sức ép từ hoàn thuế GTGT ngày càng gia tăng với hành vi gian lận hoàn thuế càng tinh vi, phức tạp hơn trước, Luật Thuế GTGT sửa đổi, bổ sung đã kéo dài chu kỳ xác định số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết từ 3 tháng lên 12 tháng mới được hoàn thuế GTGT và nâng ngưỡng tối thiểu được hoàn thuế từ 200 triệu lên 300 triệu đồng áp dụng đối với trường hợp xuất khẩu và hoàn thuế cho dự án đầu tư. Sang đầu năm 2013, do tình hình chiếm dụng tiền hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản xuất khẩu qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp, Bộ Tài chính đã có công văn số 7527/BTC-TCT yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp có rủi ro cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, với nội dung phản ánh đa chiều của cộng đồng DN, ngày 15/10/2013 Bộ Tài chính đã ban hành công văn 13076/BTC-TCT để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hồ sơ hoàn thuế GTGT, nhất là việc hoàn thuế đối với hàng nông sản.

Vậy, thuế GTGT của nước ta sắp tới nên đi theo hướng nào? Nhiều chuyên gia cho rằng, hướng đi của thuế GTGT nên tiếp cận theo 2 chỉ dẫn chủ yếu: vừa củng cố vai trò tạo lập nguồn thu cho ngân sách của thuế GTGT, vừa phù hợp với khả năng quản lý thuế. Muốn thế, cần duy trì xu hướng siết chặt điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT để giảm bớt hoàn thuế, củng cố nguồn thu quan trọng cho ngân sách và tập trung phát triển năng lực thanh tra thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, vì thực tiễn cho thấy, thuế GTGT thực sự hoạt động hiệu quả khi dựa trên nền tảng cơ chế tự khai và sự vững mạnh của thanh tra, kiểm tra thuế. Hiện thuế GTGT chiếm 26% tổng thu ngân sách, trong khi thuế TNDN và thuế TNCN đã giảm mức động viên, nên sắc thuế gián thu này có vai trò ngày càng quan trọng trong tổng thu NSNN.

Hiện tượng gian lận về hoàn thuế GTGT xảy ra gần đây gợi lại tình trạng tương tự trong thời gian đầu áp dụng thuế GTGT ở nước ta. Hoàn thuế GTGT quả thực là một trong những vấn đề nan giải nhất đối với công tác quản lý thuế.

Khoảng trống gian lận riêng

Các hình thức gian lận thuế GTGT giống như gian lận đối với các loại thuế khác. Đó là tình trạng không đăng ký thuế, hạch toán tính thuế thấp hơn so với thực tế, bỏ ngoài sổ sách kế toán, ngụy tạo việc mua hàng hóa, không tính thuế đối với hàng tiêu dùng nội bộ. Với cơ chế tính thuế đặc thù theo phương pháp khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào, nhất là hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu, thuế GTGT tạo ra những hình thức gian lận (trốn thuế) riêng như: hạch toán sai quy định về phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đưa vào khấu trừ hàng hóa không dùng cho sản xuất hàng hóa chịu thuế, giả tạo hồ sơ khống xuất khẩu, quay vòng hàng xuất khẩu, sử dụng hóa đơn giả, thành lập nhiều DN để tạo giao dịch lòng vòng, thành lập DN chuyên mua bán hóa đơn. Các nước châu Âu còn biết đến một hình thức trốn thuế GTGT rất tinh vi có tên gọi là “carousel” (lợi dụng cơ chế chưa phải nộp ngay thuế GTGT ở khâu nhập khẩu mà được khấu trừ vào thuế GTGT đầu ra khi bán hàng).
Các hình thức gian lận thuế GTGT có thể được định danh, song việc xác định quy mô gian lận, trốn thuế GTGT nói chung và gian lận qua hoàn thuế nói riêng là rất khó khăn. Theo báo cáo của Uỷ ban châu Âu (2004) số thuế mất do trốn thuế GTGT chiếm khoảng 10% tổng thu ròng từ thuế GTGT ở một số nước. Năm 2003 cơ quan thuế của Anh ước tính, trốn thuế GTGT chiếm 15,8% số thuế GTGT lẽ ra thu được trong năm. ở Việt Nam, chưa có báo cáo đánh giá nào về quy mô trốn thuế GTGT, nhưng số trường hợp các vụ việc chiếm đoạt tiền NSNN thông qua hoàn thuế GTGT đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.