Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

nguoi dai dien theo phap luat

Kể từ khi luật doanh nghiệp 2014 được áp dụng, nhiều quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã thay đổi. Asadona xin giới thiệu một số quy định về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp và khách hàng có thể cần tham khảo trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?

Theo điều 13, Luật doanh nghiệp 2014, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật đại diện cho doanh nghiệp giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp.

Công ty có thể có mấy người đại diện theo pháp luật?

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật là gì?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm:

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Nếu không có người đại diện theo pháp luật thì sao?

Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Cần điều kiện gì để làm Người đại diện theo pháp luật?

Người đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân:

Trên 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và không bị cấm tại Luật Doanh Nghiệp.

Đến từ bất cứ đâu, không phân biệt nơi lưu trú, quốc tịch.

– Được xác nhận thường trú tại Việt Nam. Nếu là người nước ngoài thì người đó phải ở Việt Nam trong suốt thời hạn của nhiệm kỳ và phải có Thẻ tạm trú theo quy định tại Nghị định 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001.

– Đối với con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) – Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người được giám hộ – Người giám hộ là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự – Người được Toà án chỉ định là người đại diện theo pháp luật.

– Đối với hộ gia đình – Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật.

Đại diện Pháp Luật thường giữ những chức vụ quan trọng trong công ty như Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chính của công ty.

Một người có thể làm Người đại diện theo pháp luật của mấy công ty?

– Việc bổ nhiệm, thuê Tổng Giám đốc/ Giám đốc của doanh nghiệp là công việc nội bộ của doanh nghiệp. Do đó, việc thuê ai làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc phụ thuộc vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và người được doanh nghiệp thuê làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc. Luật doanh nghiệp không hạn chế số lượng Doanh nghiệp tối đa mà một người có thể làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc. Có nghĩa là, một người có thể làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc cho nhiều Doanh nghiệp, nếu họ có khả năng và Doanh nghiệp đồng ý.

– Đại diện pháp luật trong từng loại hình công ty:

Trong mỗi loại hình công ty, Đại diện Pháp Luật có những chức danh khác nhau và luật quy định khác nhau về việc thành lập thêm doanh nghiệp. Vì thế cần lưu ý:

Công ty TNHH một thành viên:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.

– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty TNHH một thành viên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.

– Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty TNHH hai thành viên trở lên đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

Công ty Cổ phần:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Chủ tịch Hội Đồng Quản trị/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc.

– Tổng Giám đốc/ Giám đốc Công Ty Cổ Phần không còn bị cấm làm Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào khác, và vẫn có thể làm Đại diện Pháp Luật của công ty khác với chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị/ Chủ tịch Hội đồng thành viên/ Chủ tịch công ty.

Doanh nghiệp tư nhân:

– Chức danh Đại diện Pháp Luật: Tổng Giám đốc/ Giám đốc.

– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

– Tổng Giám đốc/ Giám đốc Doanh nghiệp Tư Nhân đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

Hộ kinh doanh:

– Chủ hộ là người đại diện theo pháp luật

– Theo khoản 2 điều 50 Nghị định 43/2010/NĐ-CP: “Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc.”

– Chủ hộ kinh doanh cá thể đều có thể làm Chủ tịch Hội Đồng Thành viên/ Chủ tịch công ty/ Tổng Giám đốc/ Giám đốc tại bất kỳ công ty nào.

Thay đổi về quyền quản trị công ty

Luật doanh nghiệp 2014 có khá nhiều thay đổi về mặt quản trị công ty, trong đó có thay đổi về người đại diện theo pháp luật. Luật lần này cho phép các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ được quy định trong điều lệ công ty.

Thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến mô hình tổ chức và quản trị công ty nhưng theo hướng quản trị công ty hiện đại. Mỗi giám đốc – người đại diện theo pháp luật của công ty – khi đó sẽ có quyền đại diện cho công ty trong phạm vi quyền hạn họ được trao. Và một khi họ thực hiện đúng thẩm quyền của mình, mọi hành động của họ sẽ ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Để có thể thích ứng được với quy định mới, doanh nghiệp sẽ buộc phải phân định rõ quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật, đồng thời, đối tác sẽ phải tìm hiểu tư cách và thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật trước khi quyết định làm ăn với doanh nghiệp.

, , , , , ,

38 bình luận trong “Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

  1. Xin cho hỏi là trong công ty cổ phần thì người đại diện PL, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT sẽ có trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn ạ?

    1. Chào bạn,
      Các vị trí đó trách nhiệm hữu hạn. Nếu là cổ đông, họ chịu trách nhiệm trong quyền hạn của phần vốn góp của mình. Nếu là giám đốc thuê ngoài họ chịu trách nhiệm theo hợp đồng thuê và điều lệ công ty. Ngoài ra, trách nhiệm cũng đi kèm thời hạn hoạt động của công ty, mặc định công ty cổ phần có thời hạn hoạt động là 50 năm, hoặc có quy định khác ghi trong điều lệ.

  2. Cho em hỏi người đại diện (Giám đốc) của công ty cổ phần giờ muốn làm thêm người đại diện công ty TNHH (giám đốc) thì có được không ạ?

    1. Chào Hương,
      Kể từ ngày 1/7/2015 khi Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, một người có thể làm giám đốc nhiều công ty, cổ phần hay TNHH đểu được. Trừ trường hợp đó là công ty cổ phần của nhà nước.

  3. Asadona vui lòng cho tôi hỏi: 1 người có thể làm đại diện trước pháp luật cho nhiều hơn 1 công ty được không. Có người cho rằng 1 người có thể làm giám đốc cho nhiều hơn 1 Công ty nhưng chỉ có thể làm người đại diện trước pháp luật cho 1 Công ty mà thôi.

    1. Chào bạn,
      Quy định về người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp trong luật doanh nghiệp không nhắc về số lượng doanh nghiệp mà một người được làm đại diện theo pháp luật.
      Thực tế thì một người hoàn toàn có thể làm đại diện pháp luật cho nhiều công ty cùng lúc. Một công ty cũng được phép có nhiều hơn một người đại diện pháp luật. Hiện nay không ít trường hợp như vậy.

  4. cho em hỏi.hiện e đang mở doanh nghiệp tư nhân về dịch vụ khách sạn ở Việt Nam.Nhưng e sẽ xuất cảnh sang Mỹ mà vẫn muốn tiếp tục công việc kinh doanh của mình tại Việt Nam thì phải làm sao ạ

    1. Chạo bạn,
      Luật doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải có ít nhất một người đại diện cư trú ở Việt Nam. Nếu bạn chỉ đi thời gian ngắn bạn có thể ủy quyền cho người ở Việt Nam đại diện. Bạn vẫn phải chịu trách nhiệm khi ủy quyền cho người khác đại diện. Nếu bạn đi định cư luôn thì bạn nên nhờ người Việt Nam hoặc công ty nào đó ở Việt Nam thay bạn đứng tên và đại diện hoàn toàn.

  5. cho em hỏi tại khoản 5 Điều 13Luật Doanh nghiệp 2014 quy định Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thì Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật. Vậy trong khoảng thời gian từ khi người đại diện theo pháp luật xuất cảnh mà chưa quá 30 ngày mà không ủy quyền và có phát sinh giao dịch thì ai sẽ đứng ra ký kết?

    1. Chào bạn.
      Trường hợp này rõ ràng là chỉ có 1 người đại diện đó ký kết. Trách nhiệm hoàn toàn của người đó. Giao dịch phải chờ người đó về ký kết. Nếu người đó vắng mặt gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì sau đó hội đồng quản trị có thể kỷ luật hoặc bổ nhiệm người khác theo điều lệ.

  6. Xin cho hỏi: Giám đốc- người đại diện pháp luật công ty cổ phần muốn bổ nhiệm người mới hay vị trí của mình, chủ tịch hội đồng quản trị đồng ý nhưng thành viên hội đồng không đồng ý. Vậy phải làm thế nào?

    1. Chào bạn,
      Theo luật doanh nghiệp và điều lệ công ty cổ phần. Vị trí Giám đốc này do hội đồng quản trị quyết định và chủ tịch hội đồng quản trị đại diện ký.
      Như vậy để bổ nhiệm giám đốc mới phải tiến hành họp hội đồng quản trị, trong đó đưa ra nghị quyết đề nghị bổ nhiệm giám đốc mới cho các thành viên hội đồng quản trị biểu quyết thông qua, quyền biểu quyết đựa trên số cổ phần người đó đại diện. Như vậy nếu thành viên phản đối quyết định bổ nhiệm giám đốc đó có phần trăm biểu quyết thấp hơn số tán thành thì việc bổ nhiệm vẫn thực hiện được. Sau khi số thành viên biểu quyết thông qua thì ra biên bản họp và quyết định bổ nhiệm.

  7. Cho em hỏi?
    Công ty e là Cty Cổ Phần có chủ tịch hội đồng quản trị làm đại diện pháp luật. ủy quyền cho tổng giám đốc quản lý và ký kết mọi giấy tờ, hợp đồng hóa đơn liên quan. Vậy ủy quyền này có cần thông báo lên cho cơ quan thuế không? nếu thông báo cho cơ quan thuế thì cần nộp những giấy tờ gì cho cơ quan thuế?

    1. Chào bạn,
      Trường hợp ủy quyền giao dịch với cơ quan thuế, trước đây bộ tài chính đã có thông tư 28/2011/TT-BTC quy định như sau:
      Điều 6. Giao dịch với cơ quan thuế
      1. Người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế trực tiếp ký hoặc giao cho cấp phó của mình ký thay trên các văn bản, hồ sơ giao dịch với cơ quan thuế thuộc các lĩnh vực được phân công phụ trách. Việc giao ký thay phải được quy định bằng văn bản và lưu tại doanh nghiệp.
      2. Uỷ quyền trong giao dịch với cơ quan thuế
      – Người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế có thể uỷ quyền cho cán bộ phụ trách dưới mình một cấp ký thừa uỷ quyền các văn bản, hồ sơ giao dịch với cơ quan thuế.
      – Người nộp thuế là cá nhân có thể uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác (trừ trường hợp đại lý thuế thực hiện theo khoản 3 Điều này) được thay mặt mình thực hiện giao dịch với cơ quan thuế thì phải có văn bản uỷ quyền theo Bộ luật dân sự.
      – Văn bản uỷ quyền phải quy định cụ thể thời hạn, phạm vi uỷ quyền. Văn bản uỷ quyền phải gửi cơ quan thuế cùng văn bản, hồ sơ giao dịch lần đầu trong khoảng thời gian uỷ quyền.

      Như vậy trường hợp của bạn phải thông báo với cơ quan thuế. Hồ sơ bạn cần chuẩn bị gồm:
      1. Quyết định bổ nhiệm giám đốc (hoặc hợp đồng lao động nếu là giám đốc thuê ngoài hoặc điều lệ nếu vị trí này đã được quy định trong điều lệ).
      2. Văn bản ủy quyền.
      3. CMND người được ủy quyền.
      4. Ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và CMND người đi nộp hồ sơ.
      5. Giấy DKKD của công ty.
      Đây là hồ sơ mặc định. Nếu có yêu cầu khác cán bộ thuế tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn bạn.

  8. cho e hỏi Người đại diện theo ủy quyền đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên theo luật DN 2014 là sao ạ?

    1. CHào em,
      Do câu hỏi của em chưa rõ nên xin trích đăng quy định tại điều 15 luật doanh nghiệp 2014 quy định về người đại diện theo ủy quyền của daonh nghiệp như sau. Nếu chưa rõ em hãy liên hệ tiếp để trao đổi thêm nhé.

      Điều 15. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là tổ chức
      1. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
      2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:
      a) Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện;
      b) Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện.
      3. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần, cho mỗi người đại diện. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền, phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho số lượng người đại diện theo ủy quyền.
      4. Việc chỉ định người đại diện theo ủy quyền phải bằng văn bản, phải thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được thông báo. Văn bản ủy quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
      a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông;
      b) Số lượng người đại diện theo ủy quyền và tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp tương ứng mỗi người đại diện theo ủy quyền;
      c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của từng người đại diện theo ủy quyền;
      d) Thời hạn ủy quyền tương ứng của từng người đại diện theo ủy quyền; trong đó ghi rõ ngày bắt đầu được ủy quyền;
      đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông và của người đại diện theo ủy quyền.
      5. Người đại diện theo ủy quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
      a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
      b) Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;
      c) Thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hay cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác;
      d) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

  9. cho em hỏi : trong công ty TNHH người đại diện hợp pháp của công ty đại diện công ty kí kết hợp đồng mà không ai biết cả chỉ người đó biết . thì hợp đồng đó khi nào có hiệu lực . điều kiện để hợp đồng có hiệu lực

    1. Chào em.
      Trong Điều lệ đã có quy định quyền của người đại diện hợp pháp. Trong trường hợp mặc định, các hợp đồng người đó ký vẫn hợp lệ và có hiệu lực theo quy định trong hợp đồng mà không cần người khác biết (người khác mà em muốn nói có lẽ là hội đồng thành viên).
      Nếu công ty có điều kiện riêng ví dụ hợp đồng có giá trị trên 50% vốn điều lệ hay trên 10 tỷ phải thông qua hội đồng thành viên thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.

  10. Cho em hỏi, Giám đốc đại diện có bắt buộc phải được trả lương ở Việt Nam không ạ? Trường hợp giám đốc đại diện uỷ quyền cho Giám đốc điều hành ở Việt Nam (là nhân viên từ công ty mẹ cử sang) trực tiếp điều hành công ty thì công ty Việt Nam chỉ trả lương cho Giám đốc điều hành, còn Giám đốc đại diện ở Việt Nam (cũng là Giám đốc đại diện công ty mẹ ở nước ngoài) sẽ được công ty mẹ trả lương thì có được không ạ?

    1. Chào bạn,
      Trường hợp bạn nói cần xác định người lao động này thuộc dạng lao động nào.

      Người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam, sinh sống làm việc lâu dài ở Việt Nam phải có hợp đồng lao động, giấy phép lao động, và tuân theo luật lao động của Việt nam, vẫn áp dụng trả lương theo luật lao động của Việt Nam.

      Người di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp. Như bạn nói là do công ty mẹ ở nước ngoài cử sang. Thì có thể không thuộc diện phải có giấy phép lao động. Cũng có thể không phải trả lương tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn phải có hồ sơ để xác định lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO. Hồ sơ để đáp ứng điều kiện Người di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp khá phức tạp và có quy định rõ chức năng nhiệm vụ và thời hạn lao động của người đó. Ví dụ như phải được công ty mẹ tuyển dụng trước đó 12 tháng, cấp quản lý điều hành, công ty con ở VN phải đúng là đại diện thương mại của côgn ty mẹ bên kia…

      Bạn có thể tham khảo thêm tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP và Thông tư 41/2014/TT-BCT nhé.

  11. Gửi Asadona,
    Xin phép cho em hỏi, Công ty em là công ty cổ phần vốn tư nhân, Giám đốc là người đại diện pháp luật. Theo như Pháp luật Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp…Tuy nhiên, Chủ tịch hội đồng quản trị đang là Chủ tài khoản công ty. Những giấy tờ giao dịch với ngân hàng vẫn đang phải sử dụng chữ ký của Chủ tịch HĐQT, còn hợp đồng, hóa đơn, phiếu thu, chi sử dụng chữ ký Giám đốc. Như thế có hợp lý không ạ? theo luật nào quy định.
    Em cảm ơn nhiều ạ!

    1. Chào bạn,
      Trong câu hỏi của bạn có phần này “Chủ tịch hội đồng quản trị đang là Chủ tài khoản công ty. Những giấy tờ giao dịch với ngân hàng vẫn đang phải sử dụng chữ ký của Chủ tịch HĐQT”. Việc này không hợp lý.

      Theo luật quản lý thuế, Công ty phải sử dụng tài khoản ngân hàng do công ty đứng tên (lúc này công ty là người nộp thuế). Người đại diện pháp luật của công ty sẽ đại diện ký trên hồ sơ ngân hàng của công ty.
      Chủ tịch HĐQT không được dùng tài khoản riêng để giao dịch cho các giao dịch của công ty. Vì đó là tài khoản cá nhân.
      Nếu chủ tịch HĐQT đại diện công ty ký tên trên hồ sơ ngân hàng, người đó phải thuộc 1 trong 2 trường hợp:
      1. Là người đại diện theo pháp luật của công ty. Luật doanh nghiệp 2014 cho phép công ty có hơn 1 người đại diện pháp luật.
      2. Được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty để ký tên trên hồ sơ ngân hàng.
      Vậy nếu thiếu một trong 2 điều trên, ngân hàng sẽ là nơi đầu tiên không đồng ý cho công ty bạn mở tài khoản mà chủ tịch HĐQT đại diện ký. Về quản lý thuế, sau này khi bị kiểm tra những khoản giao dịch đó có thể bị tính là không hợp lệ.

      Bạn tham khảo:
      Luật quản lý thuế: về người nộp thuế lập tài khoản ngân hàng.
      Luật doanh nghiệp: về quyền của người đại diện pháp luật của công ty.
      Luật dân sự: về việc ủy quyền.
      Điều lệ công ty: Xem trách nhiệm và quyền lợi của người đại diện pháp luật và chủ tịch HĐQT của công ty.

      Hoặc muốn trao đổi thêm bạn có thể điện thoại vào hotline của Asadona nhé.

  12. Asadona cho tôi hỏi về trường hợp công ty có 2 đại diện theo pháp luật là chủ tịch HDQT và Giám đốc. Khi đó 1 hợp đồng kinh tế thuộc thuộc thẩm quyền ký kết của Chủ tịch HDQT, thì Giám đốc có được quyền đại diện công ty ký kết các giao dịch đi kèm Hợp đồng nói trên không. Ví dụ như hợp đồng/đơn hàng cụ thể của 1 một đồng nguyên tắc; hoặc 1 lần nhận nợ của 1 hợp đồng vay vốn ngân hàng. xin cảm ơn

    1. Chào anh,
      Trường hợp công ty có 2 đại diện pháp luật thì công ty nên có quy chế riêng quy định quyền hạn và nghĩa vụ cho từng người. Điều đó cũng có thể ghi trực tiếp vào điều lệ côgn ty khi đăng ký kinh doanh.
      Nếu không, quyền của hai người này là như nhau, có thể đại diện chéo như trong hai ví dụ anh đã đưa mà vẫn hợp lệ.

  13. Chào Asadona! Cho tôi hỏi về trường hợp này
    Giám đốc nhưng không nằm trong danh sách thành viên góp vốn, đi ký hợp đồng mua bán với khách hàng thì có phải có giấy ủy quyền hoặc quyết định bổ nhiệm giám đốc ( ghi rõ trong nội dung và điều khoản hợp đồng hay không? Xin cảm ơn
    Trân trọng!

    1. Chào bạn,
      Giám đốc không nhất định phải là thành viên góp vốn. Vị trí này được quy định cụ thể nhất trong điều lệ của công ty.
      Nếu người này không được quy định có quyền đại diện theo pháp luật trong điều lệ của công ty. Thì khi đại diện công ty ký kết hợp đồng với bên ngoài phải có quyết định bổ nhiệm kèm hợp đồng lao động của công ty. Hoặc ủy quyền của công ty cho người này thực hiện công việc cụ thể đó theo luật dân sự.
      Nếu không đáp ứng các điều kiện đó thì hợp đồng người đó đại diện ký không có giá trị.

  14. asadona cho mình hỏi.Trước đây mình có làm giám đóc đại điện pháp luật cho 1 cty.Hiện nay cty đó ko còn hoạt động nữa,chưa đóng mã số thuế vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.Số tiền khoảng 300 triệu,từ năm 2012.Hiện nay mình muốn thành lập cty khác Chủ động mọi hoạt động của cty có đc ko?

    1. Chào bạn,
      Trường hợp của bạn được tính là doanh nghiệp bỏ trốn. Trong hầu hết các trường hợp, khi lập công ty mới sẽ bị kẹt lại khi cấp mã số thuế. Nếu vô tình qua được thì khi bạn đăng ký phát hành hóa đơn, chi cục thuế chủ quản sẽ rà soát và phát hiện lần nữa. Và yêu cầu bạn thanh toán hết số nợ thuế mới giải quyết tiếp. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp may mắn không gặp rắc rối gì.
      Bạn sẽ được xóa nợ thuế sau 10 năm tính từ ngày hết hạn nộp các khoản thuế, phạt. Khi đó bạn mới thực hiện lập công ty khác được.

    1. Chào bạn.
      Trong thực tế, điều luật này thường được dùng để các công ty mẹ quản lý các công ty con.
      Khi một công ty góp vốn vào công ty khác, công ty mẹ sẽ cử một hoặc nhiều người đại diện cho phần vốn góp đó. Để tham gia điều hành và theo dõi hoạt động của công ty con. Người này chỉ có thầm quyền đại diện cho phần vốn góp của công ty mẹ tại công ty con chứ không phải đại diện của công ty con. Việc có đại diện cho công ty con hay không là do quyết định của hội đồng quản trị công ty con.

  15. Xin chào bạn,
    Bạn cho mình hỏi, công ty mình là công ty cổ phần, có 1 người tển A làm đại diện pháp luật pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thời điểm hiện tại). 4 năm trước bên mình có đại hội cổ đông và bầu 1 người tên B làm giám đốc công ty thay cho người A tuy nhiên bên mình chưa thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh. Có một công ty khởi kiện bên mình về việc thực hiện hợp đồng từ 4 năm trước, vậy phía bị đơn như bên mình ai sẽ là người đại diện theo pháp luật trong trường hợp ra tòa tranh kiện. Mọi giấy tờ người A ký kể từ thời điểm sau đại hội cổ đông có còn giá trị pháp lý khi tranh tụng hay không? Rất mong nhận được phản hồi từ phía bạn. Trân trọng cảm ơn.

    1. Chào bạn,
      Theo pháp luật hiện hành thì việc thay đổi người đại diện pháp luật của công ty bạn phải được thông báo với phòng đăng ký kinh doanh để đổi giấy đăng ký doanh nghiệp.
      Việc công ty bạn bầu người B làm giám đốc mà chưa thông báo thì việc đó vô hiệu trước pháp luật.
      Nghĩa là đến tận bây giờ người A vẫn là người đại diện pháp luật của công ty bạn. Sẽ là người đại diện ra tòa án tranh kiện. Các giấy tờ người A ký từ thời điểm đó đến nay vẫn có giá trị pháp lý.

  16. Cho e hỏi ngoài giám đốc, tổng giám đốc và ct hđqt, cổ đông khác k có chức danh có đc là người pđại diện theo pl k?

    1. Chào bạn,
      Cổ đông khác có thể được làm người đại diện pháp luật nếu điều đó có quy định trong Điều lệ công ty và có đăng ký với Phòng đăng ký kinh doanh.
      Còn về mặc định, trong Điều lệ và trên Giấy đăng ký doanh nghiệp ghi rõ thông tin người đại diện pháp luật, ngoài người đó ra không ai được đại diện cả.

    1. Chào bạn,
      Trong giới doanh nghiệp nhỏ thì thường là người đại diện pháp luật được toàn quyền điều hành công ty. Nhưng không được mặc định hiểu như vậy. Người toàn quyền thực sự phải là chủ công ty, tức là hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông, những người đó sở hữu nhưng không nhất định phải là người đại diện pháp luật của công ty. Họ có thể thuê người đại diện pháp luật nhưng những quyết định lớn vẫn phải thông qua họ.
      Người đại diện pháp luật chỉ có thể hiểu là người đại diện cho công ty trước pháp luật vậy thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.