Thủ tục làm giấy phép cho thuê lại lao động

Giấy phép cung ứng lao động

Giấy phép cung ứng lao động là thuật ngữ mà các doanh nghiệp thường xuyên dùng trong giao dịch. Theo quy định của Bộ luật lao động thì đây là một giấy phép điều kiện để kinh doanh hoạt động “Cho thuê lại lao động”.

Văn bản pháp luật quy định việc hoạt động cung ứng lao động:

  • Bộ Luật lao động 2012
  • Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư
  • Nghị định 29/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Cho thuê lại lao động là gì?

Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Cho thuê lại lao động có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?

Khoản 2 Điều 53 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

“Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định”.

Luật số 03/2016/QH14 (Luật sửa đổi bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư)  quy định:

“Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động” là một trong số 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Hai căn cứ pháp lý trên xác định hoạt động cho thuê lại lao động (tức cung ứng lao động) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cơ quan nào cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động?

Theo quy định tại điều 6 Nghị định 29/2019/NĐ-CP “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với doanh nghiệp”

Thành phần hồ sơ xin cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động bao gồm những gì?

Theo Điều 8 Nghị định 09/2019/NĐ-CP, thành phần hồ sơ gồm:

  1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  3. Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo mẫu
  4. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
    – Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài thì có văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp.
    – Các văn bản nêu trên được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.
  5. Văn bản chứng minh thời gian đã làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là một trong các loại văn bản sau:
    – Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
    – Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bâu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
    – Trường hợp các văn bản chứng minh này là văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.
  6. Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh cho thuê lại lao động (2.000.000.000 đồng) theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II.

Thời hạn của Giấy phép Hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động là bao nhiêu năm?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 29/2019/NĐ-CP thì thời hạn của Giấy phép cho thuê lại lao động tối đa là 60 tháng, doanh nghiệp được phép gia hạn lại nhiều lần, và mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng. Thời hạn giấy phép được cấp lại bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp trước đó.

Các công việc được thực hiện khi cho thuê lại lao động là gì?

Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động bao gồm:

  1. Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký
  2. Thư ký/Trợ lý hành chính
  3. Lễ tân
  4. Hướng dẫn du lịch
  5. Hỗ trợ bán hàng
  6. Hỗ trợ dự án
  7. Lập trình hệ thống máy sản xuất
  8. Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
  9. Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất
  10. Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
  11. Biên tập tài liệu
  12. Vệ sĩ/Bảo vệ
  13. Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
  14. Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
  15. Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
  16. Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
  17. Lái xe
  18. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển
  19. Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí
  20. Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động được rút tiền ký quỹ khi nào?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

  1. Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thuê lại theo quy định của pháp luật sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến thời hạn thanh toán.
  2. Doanh nghiệp cho thuê gặp khó khăn tạm thời, không đủ khả năng bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đến thời hạn bồi thường.
  3. Doanh nghiệp không được cấp giấy phép.
  4. Doanh nghiệp cho thuê bị thu hồi giấy phép hoặc không được gia hạn, cấp lại giấy phép.
  5. Doanh nghiệp cho thuê đã thực hiện ký quỹ tại một ngân hàng thương mại khác.

Dịch vụ làm giấy phép cho thuê lại lao động tại Đồng Nai

Hiện nay Nghị định 29/2019/NĐ-CP đã giao quyền cấp Giấy phép cho thuê lại lao động cho cấp tỉnh vì thế doanh nghiệp có điều kiện thực hiện thủ tục xin cấp phép dễ dàng hơn. Tuy nhiên nghị định cũng quy định chặt chẽ hơn về việc ký quỹ 2 tỷ đồng khiến doanh nghiệp thường bị vướng mắc phần này.  Asadona có thể hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép cung ứng lao động. Vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ ngay từ bước chuẩn bị hồ sơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.