Năm 2018 Việt Nam lập kỷ lục về số doanh nghiệp thành lập mới

Trong năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục năm thứ ba liên tiếp.

Tổng cục thống kê cho biết, với 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2018, Việt Nam có năm thứ ba liên tiếp đạt kỷ lục về tăng trưởng doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 10,2%, đạt 11,3 tỷ đồng.

Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm nay là 3.886,9 nghìn tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực khác cũng được cơ quan thống kê công bố là trong năm 2018 còn có 34 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2018 lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Trong năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7%.

Tình hình thành lập doanh nghiệp trên các vùng kinh tế

Trong số 06 vùng lãnh thổ trên cả nước, chỉ có 03 vùng có tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khả quan với biến động cùng tăng về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký, đó là: Đồng bằng Sông Hồng (tăng 3% về số doanh nghiệp, tăng 31,3% về số vốn), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (tăng 9,6% về số doanh nghiệp, tăng 1% về số vốn), Đồng bằng Sông Cửu Long (tăng 3,1% về số doanh nghiệp, tăng 63,38% về số vốn).

Vùng Đông Nam Bộ có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới (tăng 5,0%), tuy nhiên, giảm về số vốn đăng ký (giảm 2,1%). Tuy vậy, trong 11 tháng năm 2018, Đông Nam Bộ vẫn đứng đầu về cả số lượng doanh nghiệp mới (51.726 doanh nghiệp, chiếm 42,7% của cả nước) và số vốn đăng ký (567.018 tỷ đồng, chiếm 45,9%).

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp mới và số vốn đăng ký đều giảm.

Như vậy. Số liệu thống kê cho thấy, trong điều kiện Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế sâu rộng, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi để hoạt động, môi trường kinh doanh ngày càng thuận tiện. Dự kiến thị trường đang tiếp tục khả quan và năm 2019 sẽ là một năm nở rộ của những doanh nghiệp thành lập mới. Và số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ tiếp tục phá kỷ lục để sớm đạt chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.