Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành 02 Thông tư rất quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác kế toán – kiểm toán tại Doanh nghiệp: thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp mới thay thế toàn bộ Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC và thông tư số 202/2014/TT-BTC là phiên bản hướng dẫn báo cáo hợp nhất báo cáo tài chính lần thứ hai và là bộ phận không tách rời của Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo thông tư 200/2014/TT-BTC.
Về cơ bản chúng ta có thể nhận thấy rằng 02 Thông tư này rất phù hợp với sự phát triển của nến kinh tế thị trường, rất hiện đại, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, mang tính khả thi và tính hội nhập rất cao, đây là một Chế độ kế toán hoàn toàn mở cho Doanh nghiệp.
Qua đó có thể nêu một số điểm chính mà doanh nghiệp, các nhà đầu tư được hưởng lợi ngay khi áp dụng CĐKT mới theo thông tư 200/2014/TT-BTC.
1. Về tỷ giá:
Áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế của ngân hàng thương mại do doanh nghiệp thường xuyên giao dịch, không áp dụng tỷ giá bình quân liên ngân hàng như trước đây. Rất phù hợp và rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quy đổi tỷ giá của các giao dịch có đơn vị tiền tệ khác đồng Việt Nam.
2. Về sổ sách kế toán:
Bỏ bắt buộc phải áp dụng mẫu sổ kế toán như trước mà được tự thiết kế, xây dựng riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của mình. Bỏ 4 hình thức ghi sổ (Nhật ký chung, Nhật ký sổ Cái, Nhật ký chứng từ và Chứng từ ghi sổ). Các doanh nghiệp được áp dụng theo hình thức của phần mềm kế toán mà doanh nghiệp mình đang sử dụng.
Quá hay và quá phù hợp với thực tế, chỉ riêng nội dung này đã tiếc kiệm quá lớn chi phí cho doanh nghiệp đặc biệt các tập đoàn đầu tư đa quốc gia việc chuyển đổi mẫu sổ sách kế toán từ tập đoàn sang sổ sách kế toán theo quy định trước đây đã phát sinh một khoản chi phí rất lớn, phải tổ chức 02 sổ để đáp ứng tính phù hợp với quy định và yêu cầu quản lý của tập đoàn. Như vậy vừa tốn kém chi phí tổ chức bộ máy kế toán vừa trái với quy định của Luật Kế toán. Trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp FDI đã bị phạt về vấn đề sổ sách kế toán không phù hợp và nghiêm trọng hơn hết là bị cắt toàn bộ các ưu đãi về thuế (nếu có) do sổ sách kế toán không đúng quy định.
Một điểm rất có lợi và cởi trói hoàn toàn cho các Doanh nghiệp FDI nói riêng và tất cả các doanh nghiệp khác nói chung.
3. Về chứng từ kế toán:
Tất cả các loại chứng từ đều mang tính hướng dẫn; Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của mình.
Đối với các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán có đăng ký hành nghề, không bắt buộc phải ký trên các chứng từ kế toán.
Quá hay và quá phù hợp với thực tế lại là một điểm son cho Chế độ kế toán lần này, rất thoáng cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp chủ động hoàn toàn cho nhu cầu quản lý thực tế tại đơn vị mình. Riêng các đơn vị và cá nhân hành nghề dịch vụ kế toán không phải ký trên chứng từ là một việc vô cùng hay, giúp những người hành nghề có thêm nhiều thời gian hơn cho việc tập trung soát xét báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng thay vì suốt ngày phải ngồi ký chứng từ (chẳng để làm gì).
Thay mặt những người hành nghề dịch vụ kế toán hoan hô Bộ Tài chính đã có quyết định quá phù họp, quá hay trong thay đổi lần này.
4. Tách biệt kế toán với thuế:
Chế độ kế toán lần này đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc gỡ khó cho doanh nghiệp khi đối mặt với cơ quan thuế và giúp kế toán làm đúng vai trò của mình, không làm kế toán vì mục đích thuế mà chỉ xem thuế như một đối tác của doanh nghiệp.
Riêng điểm này, bản thân tôi đã có nhiều bài viết, góp ý trực tiếp mọi lúc, mọi nơi (khi có thể) với các đồng nghiệp làm kế toán, tham luận tại các diễn đàn liên quan đến kế toán từ Bắc chí Nam và cả với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Thế nhưng vẫn chưa được sự ủng hộ cao từ các đồng nghiệp và trên thực tế hầu như 100% các doanh nghiệp nhỏ và vừa điều làm kế toán vì mục đích thuế kề cả các đơn vị cá nhân hành nghề dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Rất vui vì cuối cùng Bộ Tài chính cũng đã nhìn nhận và tuyên ngôn rõ trong thông tư 200/2014/TT-BTC lần này.
5. Tiệm cận với thông lệ quốc tế:
– Với BĐSĐT chế độ kế toán lần này tách biệt rõ trường hợp BĐSĐT cho thuê và BĐSĐT chờ tăng giá.
+ Nếu BĐSĐT cho thuê thì việc khấu hao là bình thường;
+ Với BĐSĐT để đầu cơ chờ tăng giá, như trước đây vẫn trích khấu hao là không phù hợp và như vậy đôi khi đến lúc bán BĐS này thì có khi giá trị còn lại bằng không (do đã trích khấu hao hết), không đúng bản chất của vấn đề. Như vậy, trong lần này CĐKT đã nói rõ đối với BĐSĐT chờ tăng giá thì việc khấu hao là không được phép.
– Cập nhật các công cụ trình bày BCTC mới nhất theo thông lệ quốc tế như các khỏan đầu tư, hướng dẫn về trái phiếu chuyển đổi, chi phí phát hành trái phiếu theo IFRIC 13, IFRIC 15.
6. Tập trung làm minh bạch thị trường:
– Đối với thị trường BĐS: chế độ kế toán lần này bắt buộc phải minh bạch, không nhọc nhằng giữa tồn kho BĐS và sản xuất kinh doanh dỡ dang (đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, chưa hoàn thành) phải tách bạch và trình bày rõ ràng trên BCTC để không đánh lừa các nhà đầu tư. Điểm này rất hay, rất mới nhằm bảo vệ các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đúng các dự án BĐS cần đầu tư, tránh thiệt hại cho xã hội như thời gian qua.
– Đối với thị trường tài chính: các công ty có lợi ích công chúng việc áp dụng nguyên tắc coi trọng bản chất hơn hình thức nghe chừng có vẽ rất hay với các doanh nghiệp làm đúng, nhưng sẽ là hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp vận dụng các giao dịch liên kết để đạt mục đích cuối cùng là gian lận số liệu báo cáo khi cung cấp cho các nhà đầu tư, cho UBCKNN,…
7. Không tính lại chênh lệch tỷ giá đối với vốn chủ sở hữu:
Nội dung này rất phù hợp và rất có lợi cho các doanh nghiệp FDI vì theo thực tế từ trước đến nay khi thành lập doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan cấp phép cấp đồng tiền nước ngoài bị quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân tại thời điểm cấp phép dẫn đến số tiền ghi nhận trên tài khoản góp vốn luôn phát sinh chênh lệch (thời điểm góp vốn khác thời điểm cấp phép). Chế độ kế toán lần này cho phép sử dụng tỷ giá lịch sử tại thời điểm góp vốn. Như vậy sẽ không phát sinh chênh lệch tỷ giá khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng vốn góp, không phát sinh thu nhập do chênh lệch tỷ giá.
Điểm này hiện tại còn có sự khác biệt giữa Chế độ kế toán và cách tính toán của cơ quan thuế nên doanh nghiệp cần chú ý khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp đối với ngoại tệ. Hy vọng trong thời gian tới chính sách thuế sẽ có sự thay đổi phù hợp hơn.
8. Đề cao trách nhiệm người hành nghề dịch vụ kế toán:
Như trình bày ở trên lần đầu tiên những người hành nghề dịch vụ kế toán bị/được ký tên ghi rõ số chứng chỉ hành nghề vào sổ sách, báo cáo tài chính do đơn vị/cá nhân mình lập ra (Không ký chứng từ). Đơn vị/cá nhân làm sai sẽ có chế tài xử phạt theo quy định nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, minh bạch thị trường dịch vụ kế toán tại Việt Nam, phù hợp nhu cầu hội nhập và cam kết với cộng đồng ASIAN từ năm 2015.
Rất vui cho những đơn vị/ cá nhân hành nghề vì mục tiêu phát triển nghề nghiệp kế toán, hy vọng thị trường dịch vụ sẽ có những bước phát triển dài trong thời gian tới vì đây là lần đầu tiên sau hơn 11 năm kể từ ngày Luật kế toán có hiệu lực người hành nghề dịch vụ kế toán có được chỗ để ghi tên trên chính sản phẩm do mình làm ra.
Với vai trò một người làm kế toán và giám đốc một Công ty dịch vụ Kế toán, tôi đánh giá rất cao những thay đổi của CĐKT lần này. Trước khi chính thức được nghe trình bày trong lớp CNKT và tiếp cận văn bản, tôi cũng chỉ dám nghĩ rằng sẽ chỉ có những thay đổi, bổ sung tương tự như trước đây nhưng thực tế hoàn toàn mới, đúng là thay máu hoản toàn như lời nói của Ông Trịnh Đức Vinh khi trình bày trong buổi CNKT ngày 16&17/01/2015 cho hội viên VICA.
Còn rất nhiều điểm mới của thông tư 200/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành lần này mà những người làm kế toán và doanh nghiệp, các chủ đầu tư cũng như các chủ nợ cần hiểu rõ để thực hiện đúng, chúng tôi sẽ tiếp tục có những bài viết tiếp theo để các ACE kế toán cùng trao đổi, chia sẻ.