Những thắc mắc thông dụng về thuế – P1

logo thue nha nuoc

Những thắc mắc thông dụng về thuế – Phần 1

Thống kê một số thắc mắc của khách hàng về các thủ tục thuế. Asadona xin giới thiệu đến khách hàng chuỗi bài “Những thắc mắc thông dụng về thuế” để khách hàng tiện tra cứu khi gặp các trường hợp sau.

Trường hợp 1:
Công ty có mua một số thiết bị như điện thoại di động, laptop cấp cho một số nhân viên sử dụng vào việc kinh doanh. Khi nghỉ việc hoặc chuyển bộ phận công tác nhân viên phải trả lại công ty. Khi mua hóa đơn đứng tên công ty. Vậy chi phí điện thoại và laptop nêu trên có được trừ khi tính thuế TNDN không và các cá nhân sử dụng có phải chịu thuế TNCN không?

Giải đáp:
Thiết bị khi mua có ghi hóa đơn đứng tên công ty thì các thiết bị này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Khi nghỉ việc hoặc chuyển công ty, cá nhân phải trả lại cho công ty thì chi phí các trang thiết bị này cho nhân viên không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Trường hợp 2:
Được biết doanh nghiệp có quyền bổ sung, sửa đổi các kê khai và báo cáo định kỳ gửi cơ quan thuế. Nếu doanh nghiệp tự phát hiện sai sót trong công tác kê khai báo cáo, sau đó bổ sung, sửa đổi gửi cô quan thuế thì cơ quán thuế có quyền phạt doanh nghiệp không

Giải đáp:
Căn cứ Khoản 5 Điều 9 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ;
Căn cứ quy định tại Điều 107 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
Căn cứ hướng dẫn tại Mục III Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế;
Căn cứ các quy định hướng dẫn nêu trên:
– Doanh nghiệp được phép kê khai bổ sung nhưng phải trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp.
– Trường hợp kê khai bổ sung mà phát sinh tăng số thuế phải nộp hoặc làm giảm số thuế đã được miễn, giảm, được hoàn (khai thiếu thuế) thì:
+ Nếu NNT đã nộp đủ số tiền thuế khai thiếu vào NSNN: thì bị xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế;
+ Nếu NNT chưa nộp tiền thuế khai thiếu vào NSNN thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn.
– Trường hợp khi khai bổ sung nhưng không phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm hoặc không làm giảm số thuế đã được miễn, giảm, được hoàn thì người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (cụ thể không bị xử phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và không bị phạt chậm nộp 0,05%/ngày).

Trường hợp 3:
Doanh nghiệp ngành may mặc, hàng tháng chúng tôi có chi phụ cấp độc hại cho người lao động trực tiếp sản xuất trong bảng lương là 5% trên mức lương theo hợp đồng lao động. Vậy khi người lao động nhận khoản thu nhập này có chịu thuế TNCN không?

Giải đáp:
Tại điểm 2.2, Mục II, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn các khoản phụ cấp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công gồm: “ … 2.2.3. Các khoản phụ cấp theo quy định của Bộ luật Lao động, gồm:
a) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm; …”
Như vậy theo hướng dẫn trên: Trường hợp ngành may mặc thuộc danh mục các nghành nghề độc hại được hưởng phụ cấp theo quy định của Bộ lao động –TB& XH thì phụ cấp độc hại của cá nhân được trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN.

Theo website Tổng cục thuế.

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.