Nội dung chính
Hóa đơn điện tử là dạng hóa đơn hiện đại, sử dụng trên nền tảng máy tính và mạng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, nhân lực. Nó cũng giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn chứng từ của doanh nghiệp.
Nghị định 119/2018/NĐ-CP
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghị định sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.
Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh theo Khoản 6 Điều 12 của Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Toàn văn Nghị định 119/2018/NĐ-CP
Với Thời hạn sử dụng hóa đơn đã phát hành
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trước ngày 01/11/2018 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31/10/2020 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP.
Thời gian chuyển đổi
Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03 cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán có sử dụng máy tính tiền thì đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Hóa đơn điện tử là gì?
Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Đặc biêt là hóa đơn điện tử phải được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Trên hóa đơn điện tử bao gồm những nội dung gì?
Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn; Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua
Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ. Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ.
Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán…
Hóa đơn điện tử có lợi ích gì?
Hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng: Giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ, khai thác hóa đơn, thuận tiện cho việc hạch toán kế toán, quản trị kinh doanh, đối chiếu dữ liệu; thông qua phương tiện điện tử nên thời gian giao dịch sẽ được rút ngắn. Hóa đơn điện tử góp phần hiện đại hóa công tác quản trị doanh nghiệp cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
1 bình luận trong “Quy định mới về hóa đơn điện tử trong Nghị định 119/2018”