Sẽ đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp

Hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh do một cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Đặc điểm cụ thể của hộ kinh doanh Asadona đã có bài viết: Các vấn đề về hộ kinh doanh

Dự thảo đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp

Dự thảo Luật doanh nghiệp mới đang được quốc hội sửa đổi và soạn thảo. Trong bản này, sửa đổi đáng chú ý nhất và có thể gây tác động lớn nhất là quy định luật hóa hộ kinh doanh.

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh không đăng ký. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Chiếm đến hơn 30% GDP.

Dù là một nhóm lớn. Nhưng khung chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, chưa có sự bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.

Hộ kinh doanh hay doanh nghiệp tư nhân?

Hiện nay, hộ kinh doanh có điều kiện thành lập và hoạt động không khác gì doanh nghiệp tư nhân nhưng lại được quản lý khá lỏng lẻo và có thể nói là bất công so với doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ:

  • Hộ kinh doanh chỉ được hoạt động tại 1 địa điểm.
  • Có trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của cá nhân chủ hộ nhưng chì phải đóng khoản thuế môn bài rất nhỏ.
  • Quản lý hóa đơn đầu vào bằng bảng kê, hóa đơn đầu ra chịu thuế trực tiếp khá thấp.
  • Không phải duy trì hệ thống kế toán, báo cáo thuế định kỳ, lưu trữ hóa đơn chứng từ, quyết toán thuế khắt khe như doanh nghiệp.

Chính vì vậy hầu hết những cá nhân kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online đều chọn hình thức này để hoạt động kinh doanh. Vậy tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt hơn để họ lớn dần lên thành những doanh nghiệp? Để họ dễ dàng quyết định, cơ quan quản lý cần phải tháo bỏ các rào cản về kế toán, báo cáo thuế, về hóa đơn chứng từ vốn được quản lý chặt và phức tạp… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.

Quyết đưa hộ kinh doanh vào luật

Vì các lý do trên, đợt này cả quốc hội đều nhất trí quyết đưa hộ kinh doanh vào luật. Nhưng đưa vào luật doanh nghiệp chung hay một luật riêng dành cho hộ kinh doanh?

Trong số những tranh cãi về việc sửa đổi luật doanh nghiệp lần này, có hai luồng ý kiến:

  1. Hộ kinh doanh hiện nay không khác gì loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật doanh nghiệp cũng đả cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ. Vẫn có những hộ kinh doanh lớn, sử dụng nhiều lao động và doanh thu rất lớn. Do đó cần đưa vào luật doanh nghiệp để quán lý chính thức, quản lý chất lượng hàng hóa dịch vụ, và chống thất thu thuế. Ngoài ra cũng làm giảm bất công cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ.
  2. Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp, nên không thể đưa vào Luật doanh nghiệp. Nếu muốn luật hóa hộ kinh doanh thì cần có một luật riêng cho hộ kinh doanh, không chỉ dựa vào Nghị định, Thông tư.

Việc luật hoá ngay việc này sẽ có lợi cho hộ kinh doanh, có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Tuy nhiên để ra được một luật riêng sẽ mất 2 đến 3 năm. Vì vậy nên có nghị định riêng về hộ kinh doanh để hỗ trợ dần. Sau đó từng bước hình thành một luật riêng đối với hộ kinh doanh. Trong luật đó sẽ có quy định hệ thống kế toán sổ sách để có thể quản lý được chất lượng hàng hóa và thuế của hộ kinh doanh.

Quy định hiện hành về hộ kinh doanh

Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về thủ tục đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

Điều 66. Hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng kýkinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.

Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.

Chủ hộ kinh doanh sẽ là đối tượng duy nhất có quyền hưởng mọi lợi nhuận và chịu mọi nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Trường hợp hộ kinh doanh cá thể do một hộ gia đình làm chủ thì hộ gia đình này phải cử 1 người đại diện. Người đại diện này sẽ thay mặt hộ thực hiện quyền và nghĩa vụ của cả hộ. Tuy nhiên, người đại diện không chịu trách nhiệm thay cho các thành viên khac trong gia đình. Lợi nhuận hay rủi ro sẽ chia cho các thành viên theo số vốn góp, công sức và thỏa thuận của các thành viên.

Hộ gia đình có quy mô kinh doanh nhỏ hẹp tuy nhiên không phải là có quy mô kinh doanh nhỏ nhất. Loại hình này vẫn lớn hơn và ổn định hơn hộ gia đình Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động. Làm dịch vụ có thu nhập thấp. (Mức thu nhập thấp này sẽ do UBND tỉnh quy định)

Quản lý hóa đơn của hộ kinh doanh

Người kinh doanh thường chọn hình thức hộ kinh doanh do những thuận lợi trong việc quản lý hóa đơn và đơn giản trong công việc kế toán. Thuận lợi đó là gì?

Hóa đơn đầu ra

Theo quy định thì hộ kinh doanh cá thể khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thì không được cấp phép sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, chỉ được sử dụng hóa đơn bán hàng (nếu có đăng ký), tức là không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra mà chỉ được xuất hóa đơn bán hàng.

Hóa đơn đầu vào

Tuy nhiên, đối với hóa đơn đầu vào của hộ kinh doanh cá thể không có hạn chế loại hóa đơn được sử dụng khi nhập hàng hóa, dịch vụ. Dựa vào các quy định pháp luật hiện hành, tùy từng trường hợp khi nhập, mua hàng hóa thì hộ kinh doanh có thể có hóa đơn đầu vào:

Những trường hợp không cần hóa đơn đầu vào

Hộ kinh doanh cá thể không cần hóa đơn nhưng sẽ phải lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào (có mẫu 01/TNDN theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC) nếu thực hiện mua hàng hóa với các mặt hàng là nông sản, thủy hải sản của người đánh bắt trực tiếp, người nuôi dưỡng, sản xuất trực tiếp bán ra; là sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng vật liệu tự nhiên (đay, cói, tre, mây, vỏ cây dừng, sọ quả dừa, rơm, lá,….) hoặc các nguyên liệu khác được tận dụng sử dụng từ sản phẩm nông nghiệp do người sản xuất thủ công không thực hiện trực tiếp kinh doanh bán ra; là các vật liệu đất, đá, cát sỏi do cá nhân, hộ gia đình tự khai thác mà không vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên trực tiếp bán ra; là phế liệu – những sản phẩm hay vật liệu thu lại từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để tái sử dụng; là đồ dùng, tài sản hoặc dịch vụ do cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh trực tiếp bán ra; là hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ gia đình thực hiện kinh doanh có mức doanh thu một năm dưới 100 triệu đồng (mức doanh thu quy định hiện nay bắt đầu phát sinh thuế giá trị gia tăng).

Như vậy, nếu hàng hóa mua vào mà không thuộc những trường hợp trên thì hộ gia đình khi nhập/mua hàng hóa, dịch vụ có thể cần có hóa đơn đầu vào để hợp lệ được số hàng hóa, dịch vụ này khi kinh doanh.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật thì khi bán hàng hóa, dịch vụ mà có giá trị thanh toán nhỏ hơn 200.000 đồng thì không cần lập hóa đơn trừ trường hợp là người nhập/mua hàng hóa, dịch vụ có yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Nên, chỉ trừ khi hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu thì việc nhập hàng hóa, dịch vụ về để kinh doanh với giá trị dưới 200.000 đồng của cá nhân, tổ chức kinh doanh khác thì không cần phải hóa đơn đầu vào.

Trường hợp phải có hóa đơn đầu vào

Loại trừ hai trường hợp trên thì việc hộ kinh doanh cá thể mua vào hàng hóa, dịch vụ thì bắt buộc phải có hóa đơn.

Hóa đơn ở đây có thể là hóa đơn giá trị gia tăng – hóa đơn VAT, hay hóa đơn đỏ hoặc hóa đơn bán hàng – hóa đơn trực tiếp. Theo khái niệm phân loại thì hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn của doanh nghiệp sử dụng khi tính thuế theo phương pháp khấu trừ còn hóa đơn bán hàng thường là hóa đơn của cá nhân, hộ kinh doanh khác sử dụng khi tính thuế theo phương pháp trực tiếp. Nên, hộ kinh doanh cá thể nhập vào hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên và không thuộc trường hợp lập Bảng kê mua mẫu 01/TNDN thì phải có hóa đơn: nhập hàng hóa từ doanh nghiệp thì cần có hóa đơn đầu vào là hóa đơn giá trị gia tăng; còn nhập hàng hóa từ những cá nhân, tổ chức kinh doanh khác (ví như hộ kinh doanh khác) thì cần có hóa đơn đầu vào là hóa đơn bán hàng.

Mức phạt của hộ kinh doanh khi vi phạm về hóa đơn

Nếu hộ kinh doanh cá thể không có hóa đơn đầu vào khi cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng mà hộ kinh doanh không chứng minh được xuất xứ hàng hóa có thể bị xử phạt hành chính. Tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 185/2013/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Khi hộ kinh doanh cá thể nhập/mua vào hàng hóa mà không có hóa đơn, chứng từ hoặc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu hàng hóa tang vật vi phạm. Ngoài hình phạt chính (phạt tiền) và hình phạt bổ sung thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: tiêu hủy tang vật, buộc thu hồi tang vật vi phạm để tiêu hủy,…

Vậy để không bị xử lý pháp luật, hộ kinh doanh cá thể phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong khi nhập/mua vào hàng hóa. Việc chứng minh thể hiện bằng: hộ kinh doanh cá thể lấy hóa đơn (hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng – hóa đơn trực tiếp) thanh toán, những bằng chứng giao dịch (ví dụ như bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ,…) và khi bị kiểm tra thì hộ kinh doanh cá thể xuất trình hóa đơn thanh toán hoặc bằng chứng giao dịch khi mua vào hàng hóa cho cơ quan quản lý thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.