Doanh nghiệp muốn tạo uy tín, nâng cao độ tin tưởng của khách hàng về hàng hóa mà đơn vị cung cấp. Đơn vị cần tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm. Vậy đăng ký ở đâu, thủ tục như thế nào và doanh nghiệp cần lưu ý những điều gì? Bài viết dưới đây ASADONA sẽ giải thích rõ những vấn đề trên.
Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa là gì ?
Bản đăng ký chất lượng hàng hoá là văn bản pháp quy kỹ thuật để cho các cơ sở sản xuất thực hiện trong sản xuất kinh doanh, đồng thời là cơ sở pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hoá và các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở sản xuất với khách hàng.
Căn cứ xác định để đăng ký chất lượng hàng hóa:
– Các tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng;
– Các tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chuẩn khác (kể cả của nước ngoài) mà cơ sở đăng ký tự nguyện áp dụng;
– Các tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy định về chất lượng do cơ sở tự xây dựng.
Nhãn sản phẩm phải đảm bảo: Nhãn sản phẩm phải được gắn, in… lên sản phẩm hoặc bao bì của từng đơn vị bao gói hàng hoá. Trên nhãn sản phẩm có thể in nhãn hiệu sản phẩm và nộp nhãn sản phẩm này không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá.
Sản phẩm nào thì được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng?
– Sản phẩm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thuốc lá điếu, nguyên liệu thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam.
– Sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm (dụng cụ chứa đựng và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, nguyên liệu chính để sản xuất ra các sản phẩm này) và sản phẩm chỉ nhằm mục đích xuất khẩu cũng được khuyến khích công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định tại văn bản này.
– Sản phẩm sản xuất trong nước, có mục đích xuất khẩu, công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa gồm những gì?
– Bản đăng ký chất lượng hàng hoá (do cơ sở tự kê khai) (theo mẫu);
– Các tiêu chuẩn hoặc quy định về chất lượng;
– Mẫu nhãn sản phẩm (có đóng dấu của cơ sở sản xuất);
– Bản hướng dẫn sử dụng và bảo hành sản phẩm (nếu có).
Nội dung nhãn sản phẩm phải đảm bảo:
– Nhãn sản phẩm cần thể hiện được các đặc tính, công dụng và nguồn gốc của hàng hoá như:
+ Tên sản phẩm;
+ Tên cơ sở sản xuất;
+ Địa chỉ cơ sở sản xuất;
+ Số đăng ký chất lượng;
– Các đặc tính của hàng hoá: quy cách, các chỉ tiêu và mức chất lượng chính, khối lượng, dung tích và số lượng hàng hoá trong một đơn vị bao gói;
– Thời hạn bảo hành (nếu có);
– Thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng (đối với hàng hoá có thời hạn sử dụng nhất định).
Hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nộp tại đâu?
– Trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng khu vực chịu trách nhiệm cấp đăng ký chất lượng hàng hoá cho các cơ sở sản xuất thuộc Trung ương quản lý và tất cả các xí nghiệp liên doanh được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời có thể uỷ quyền cho các Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cấp đăng ký chất lượng cho một số hàng hoá của cơ sở sản xuất thuộc Trung ương quản lý đóng tại địa phương.
– Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp đăng ký chất lượng hàng hoá cho các cơ sở sản xuất thuộc địa phương quản lý và các cơ sở do các Trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng khu vực uỷ quyền.
Thời hạn giải quyết đơn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng khoảng bao lâu?
Đơn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng được giải quyêt trong khoảng thời gian sau:
+ 03 – 05 ngày làm việc đối với Thực phẩm thường, Bao bì thực phẩm; Dụng cụ thực phẩm; Nguyên liệu thực phẩm; Phụ gia thực phẩm;
+ 10 ngày làm việc đối với thực phẩm chức năng, Thực phẩm bổ sung;
+ Một số sản phẩm có thể kéo dài hơn, sẽ báo lại thời gian đăng ký sau khi nhận được yêu cầu.
Hiệu lực của kết quả đăng ký chất lượng sản phẩm là bao lâu
– Thời hạn 05 năm đối với đơn vị sản xuất kinh doanh đã có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO/ HACCP/ 22000/ chứng chỉ tương đương).
– Thời hạn 03 năm với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không có các chứng chỉ trên.
Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất sau khi thực hiện đăng ký chất lượng hàng hóa
– Các cơ sở sản xuất chỉ được phép giao cho khách hàng những hàng hoá đạt mức chất lượng đã đăng ký. Trong trường hợp hàng hoá không thể đạt mức chất lượng đã đăng ký thì cơ sở phải báo cáo với cơ quan cấp đăng ký chất lượng và xin đăng ký lại, nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định đối với các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc áp dụng và các quy định khác về vệ sinh, an toàn và môi trường.
– Khi thay đổi nhãn sản phẩm, các cơ sở sản xuất phải bổ sung đăng ký ở cơ quan đã cấp đăng ký chất lượng. Người chủ nhãn sản phẩm phải có trách nhiệm quản lý sản phẩm của mình trong việc in ấn và sử dụng.
– Nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đăng ký chất lượng hoặc có các hành vi gian dối trong đăng ký chất lượng như sản xuất những hàng hoá có mức chất lượng thấp hơn mức đăng ký, vi phạm trong việc in ấn và sử dụng nhãn sản phẩm thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trên đây là những thông tin, hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, sản phẩm cho những cá nhân, tổ chức đang thực hiện kinh doanh để nắm được những cách chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định. Hy vọng quý khách hàng có thể dễ dàng công bố tiêu chuẩn chất lượng cho những mặt hàng sản phẩm của mình để nâng cao uy tín của hàng hóa trước người tiêu dùng. Nếu vấn đề về đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cần được tư vấn, khách hàng vui lòng liên hệ với ASADONA để hỗ trợ.