5 khái niệm cơ bản về bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả hay tác quyền hoặc bản quyền (tiếng Anh: copyright) là độc quyền của một tác giả cho tác phẩm của mình. Quyền tác giả được dùng để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa (cũng còn được gọi là tác phẩm) không bị vi phạm bản quyền.

  1. Tác phẩm được bảo hộ

Tác phẩm được luật pháp quốc gia và Công ước Berne bảo hộ quyền tác giả là những tác phẩm thuộc về văn học, nghệ thuật và khoa học. Theo luật Việt Nam, nó bao gồm các loại hình: văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc kí tự khác, bài phát biểu, bài giảng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, chương trình máy tính.

Tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong trường hợp không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để sáng tạo tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên chỉ những tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm khác mới thuộc loại hình được bảo hộ.

Tin tức và số liệu

Các tin tức thời sự chỉ mang tính chất thông tin không có tính sáng tạo, vì vậy không được bảo hộ. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các cơ quan hành chính, thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của nó, và các khái niệm, nguyên lí, số liệu cũng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

  1. Tác giả của tác phẩm

Tác giả là những người bằng lao động trí tuệ của mình, trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.

Những người làm các công việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn cũng được coi là tác giả của tác phẩm phái sinh này.

Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp tham gia sáng tạo tác phẩm thì họ là đồng tác giả của tác phẩm.

Tác giả được bảo hộ phải là công dân Việt Nam và công dân nước ngoài sáng tạo tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam hoặc của tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam, hoặc theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Người trực tiếp làm ra tác phẩm

Với khái niệm trên, chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới được coi là tác giả. Những người cung cấp tư liệu, góp ý kiến cho việc sáng tạo, làm phản biện, hướng dẫn khoa học không thể là tác giả của tác phẩm. Kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại phải định hình dưới dạng vật chất nhất định (trên giấy, phim nhựa, băng đĩa từ, băng đĩa lade, gỗ, kim loại hoặc bất kì loại hình vật chất nào đã có và sẽ có trong tương lai). Điều đó có nghĩa quyền tác giả không phát sinh đối với những ý tưởng sáng tạo, pháp luật không bảo hộ ý tưởng. Pháp luật chỉ bảo hộ những ý tưởng về văn học, nghệ thuật và khoa học đã được hình thành bằng tác phẩm và định hình ở bất kì dạng vật chất nào.

  1. Các quyền của tác giả

Tác giả có quyền tinh thần và quyền kinh tế đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Theo pháp luật Việt Nam là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân bao gồm:

–  Quyền đứng tên tác giả trên bản gốc và bản sao tác phẩm. Tác giả có quyền lựa chọn việc đứng tên thật, bút danh hoặc có thể chủ động không đứng tên, để tác phẩm của mình ở “tình trạng khuyết danh”. Quyền này của tác giả là quyền yêu cầu được ghi tên tác giả trên bản gốc, bản sao tác phẩm, quyền được nêu tên khi biểu diễn, phát sóng tác phẩm.

–  Quyền đặt tên tác phẩm là quyền quan trọng của tác giả để “khai sinh” cho tác phẩm của mình.

–  Quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác khai thác, sửa chữa tác phẩm của mình. Quyền này còn ngăn chặn người khác xuyên tạc, xâm phạm tới uy tín, danh dự của mình. Người biên tập có thể thực hiện việc sửa chữa tác phẩm, do sự thay đổi các chuẩn mực xã hội, ngôn từ và chính tả, nhưng phải được sự đồng ý của tác giả.

–  Quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình. Việc công bố hay chưa công bố tác phẩm tùy thuộc vào quyết định của tác giả.

–  Trong các quyền trên, quyền đứng tên, quyền đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền được pháp luật quốc gia và quốc tế bảo hộ vô thời hạn và không được chuyển giao. Quyền công bố tác phẩm là quyền có thể để lại thừa kế, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.

Quyền tài sản:

Là các quyền độc quyền do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao, bao gồm:

– Quyền làm tác phẩm phái sinh

Làm tác phẩm phái sinh là quyền do tác giả tự thực hiện hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm của mình để sáng tạo ra tác phẩm mới. Tác phẩm mới này được gọi là tác phẩm phái sinh, như tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm chuyển thể, cải biên, phóng tác, phiên âm, chú giải.

Người làm tác phẩm phái sinh chỉ có quyền tác giả khi không gây phương hại tới quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để sáng tạo ra tác phẩm phái sinh. Điều này có nghĩa, phải có sự thỏa thuận trước khi sử dụng để sáng tạo tác phẩm phái sinh.

Cải biên là việc sáng tạo ra tác phẩm mới, từ tác phẩm đã có bằng việc tạo thêm những yếu tố ngôn từ sáng tạo mới. Phóng tác có nghĩa là việc thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm, chẳng hạn như chuyển đổi tác phẩm nhiếp ảnh thành tác phẩm hội họa, hoặc tác phẩm điêu khắc. Chuyển thể là việc thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm đã có nhưng vẫn giữ nội dung tác phẩm được sử dụng để thực hiện việc chuyển thể. Chẳng hạn như chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh.

– Quyền sao chép tác phẩm

Quyền sao chép là một trong các quyền quan trọng của tác giả. Việc xuất bản một tác phẩm là một hình thức sao chép tác phẩm, nó là hình thức sao chép cổ điển nhất.

Việc ghi âm, ghi hình bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết trình, việc vẽ lại tranh là hình thức sao chép thuộc quyền sao chép tác phẩm.

Việc sao chép một phần hay toàn bộ tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả, không phân biệt hình thức, phương tiện được sử dụng để sao chép, kể cả sao chép điện tử.

– Quyền biểu diễn

Quyền biểu diễn tác phẩm theo luật nhiều quốc gia là quyền biểu diễn trước công chúng ở bất kì địa điểm và thời gian nào với số lượng quần chúng đủ lớn, ngoại trừ phạm vi gia đình, như biểu diễn nhạc kịch tại nhà hát, đọc truyện, ngâm thơ trên đài phát thanh, truyền hình. Nó còn bao gồm cuộc biểu diễn gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình được phát qua các thiết bị tương thích ở các địa điểm kinh doanh, thương mại như trên máy bay, sàn nhảy, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ karaoke v.v…

– Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc bản sao tác phẩm

Quyền phân phối bản gốc, bản sao tác phẩm do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho người khác thực hiện bằng việc sử dụng bất kì hình thức, phương tiện kĩ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác. Đối với tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh thì quyền phân phối còn bao gồm cả việc trưng bày, triển lãm trước công chúng.

– Quyền truyền đạt tác phẩm

Là quyền đưa tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kì phương tiện kĩ thuật nào để công chúng có thể tiếp cận được tại bất kì địa điểm và thời gian nào do họ lựa chọn.

– Quyền cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

Quyền cho thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính là quyền độc quyền của chủ sở hữu. Nó là việc cho thuê để sử dụng có thời hạn, do chủ sở hữu quyền tác giả và bên sử dụng thỏa thuận theo hợp đồng.

Các quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả nêu trên tự động phát sinh ngay sau khi tác phẩm được hình thành dưới dạng vật chất nhất định. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm phải thực hiện nghĩa vụ pháp lí với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng tiền nhuận bút, thù lao và lợi ích vật chất khác từ việc cho phép tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng tác phẩm.

  1. Các giới hạn bảo hộ quyền tác giả

Luật quốc gia và Công ước Berne có một số giới hạn sau:

– Luật một số quốc gia, trong đó có Việt Nam không bảo hộ đối với các tin tức thời sự thuần túy đưa tin, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, tư pháp và bản dịch chính thức chúng. Nó còn bao gồm các khái niệm, nguyên lí, số liệu, quy trình, hệ thống phương pháp hoạt động.

Việc định hình tác phẩm là điều kiện bắt buộc của việc bảo hộ được luật của hầu hết các quốc gia và Công ước Berne quy định. Theo luật Việt Nam, bài phát biểu, bài nói khác cũng phải được định hình mới được bảo hộ.

– Liên quan đến giới hạn quyền, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới đã đề xuất “nguyên tắc phép thử ba bước” để các quốc gia xây dựng luật pháp phù hợp. Giới hạn quyền chỉ là những trường hợp đặc biệt phải ghi rõ tại luật; nó không thể làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường; không gây phương hại đến quyền của chủ sở hữu. Việc khai thác, sử dụng tác phẩm được luật các quốc gia quy định giới hạn trong các trường hợp sử dụng nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục hoặc chính sách xã hội, nhân đạo. Thông thường được phân thành 2 loại:

+ Loại thứ nhất là việc sử dụng tự do, tức việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền, như việc sao chép không quá 1 bản, nhập khẩu không quá 1 bản cho mục đích nghiên cứu cá nhân, giáo dục; chuyển sang chữ nổi cho người khiếm thị; trích dẫn hợp lí phục vụ cho một phóng sự báo chí, luận văn, công trình nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng ở loại này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm nghệ thuật tạo hình, chương trình máy tính. Mọi trường hợp sử dụng đều phải dẫn chiếu nguồn gốc xuất xứ, bao gồm tên tác phẩm, tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn. Tất cả các trường hợp trích dẫn đều phải đặt trong ngoặc kép ( “… ”).

+ Loại thứ hai “cấp phép bắt buộc” là việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền. Trường hợp này luật Việt Nam cho phép các tổ chức phát sóng, các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh, thương mại được phép sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng tác phẩm đã công bố trong các trường hợp này không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm của chủ sở hữu, không gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

– Giới hạn về thời hạn bảo hộ là việc quy định thời hạn bảo hộ, với quan niệm quyền tác giả không thể là giá trị vô hạn. Luật pháp đưa ra thời hạn bảo hộ nhất định đối với từng loại hình cụ thể. Đó là khoảng thời gian bắt đầu từ khi tác phẩm được định hình, đến lúc chấm dứt việc bảo hộ đối với quyền tài sản. Chỉ trong thời gian đó quyền tác giả mới tồn tại, kể cả khi tác giả đã chết nhằm bảo đảm quyền lợi cho người thừa kế. Sau khi kết thúc thời hạn bảo hộ, nó thuộc về công cộng, việc khai thác sử dụng sẽ ở tình trạng tự do. Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân sử dụng phải tôn trọng quyền đứng tên, đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.

  1. Thời hạn bảo hộ

Luật Việt Nam quy định thời hạn đó là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Trong trường hợp đồng tác giả thì thời hạn 50 năm, tính từ khi tác giả cuối cùng chết. Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm công bố lần đầu. Trong thời hạn 25 năm kể từ khi được định hình, nếu tác phẩm loại này chưa công bố thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, tính từ khi tác phẩm được định hình. Quy định như vậy nhằm khuyến khích tác giả sớm công bố tác phẩm phục vụ xã hội. Đối với tác phẩm khuyết danh, khi danh tính của tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo nguyên tắc đời người, có nghĩa thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Thời điểm kết thúc thời hạn bảo hộ vào lúc 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm kết thúc thời hạn bảo hộ.

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.