Nội dung chính
- Nhu cầu đại diện cho doanh nghiệp
- Đại diện cho thương nhân nước ngoài
- Quy định về đại lý cho thương nhân nước ngoài
- Quy định về thuế với đại lý cho thương nhân nước ngoài
- Quy định về xuất nhập khẩu với đại lý cho thương nhân nước ngoài
- Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
- Dịch vụ đại diện doanh nghiệp
Nhu cầu đại diện cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp nước ngoài khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng thị trường sang các tỉnh thành khác, nếu không có người ở địa phương thì sẽ cần một dịch vụ đại diện am hiểu địa phương đó để thay mình giao dịch làm việc.
Đại diện cho thương nhân nước ngoài
Đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Thương nhân ở đây có thể là thương nhân Việt Nam cũng có thể là thương nhân nước ngoài. Đặc biệt, pháp luật hiện hành còn cho phép các thương nhân Việt Nam được nhận làm đại lý mua, bán các loại hàng hóa cho thương nhân nước ngoài.
Quy định về đại lý cho thương nhân nước ngoài
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định về thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài như sau:
Thương nhân được làm đại lý mua, bán các loại hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu và hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì thương nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.
Thương nhân được thanh toán tiền bán hàng đại lý bằng tiền Việt Nam đồng cho thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam; được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán cho thương nhân nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc thanh toán bằng hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; trong trường hợp thanh toán bằng hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Thương nhân làm đại lý mua hàng phải yêu cầu thương nhân nước ngoài chuyển tiền bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng để mua hàng theo hợp đồng đại lý.
Quy định về thuế với đại lý cho thương nhân nước ngoài
Ngoài ra, tại Điều 21 của Nghị định 187/2013/NĐ-CP có quy định về nghĩa vụ về thuế của các thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài như sau:
1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Thương nhân Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa và hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.
Quy định về xuất nhập khẩu với đại lý cho thương nhân nước ngoài
Đồng thời Nghị định 187/2013/NĐ-CP có quy định về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và trả lại hàng hóa như sau:
Thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa: Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm thủ tục theo đúng quy định như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Trả lại hàng: Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài được tái xuất khẩu nếu không tiêu thụ được tại Việt Nam. Việc hoàn thuế được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục để kê khai thuế và đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong văn phòng đại diện đối với các khoản thu nhập từ văn phòng đại diện.
Ngoài ra, khi Văn phòng đại diện mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ để phục vụ cho các hoạt động của Văn phòng đại diện, thì Văn phòng đại diện chịu trách nhiệm trả thuế VAT.
Văn phòng đại diện không được tự nhân danh chính mình tiến hành các hoạt động kinh doanh vì mục đích lợi nhuận. Trong trường hợp, văn phòng đại diện thay mặt công ty mẹ tiến hành ký kết hợp đồng, văn phòng đại diện bắt buộc phải có ủy quyền của công ty mẹ.
Đầu năm, văn phòng đại diện có nghĩa vụ gửi báo cáo hoạt động cho năm vừa qua lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, nếu có bất kỳ thay đổi nào về nội dung hoạt động, Văn phòng đại diện phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
Dịch vụ đại diện doanh nghiệp
Doanh nghiệp có nhu cầu thuê dịch vụ đại diện doanh nghiệp hoặc lập văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và cung cấp dịch vụ đầy đủ nhất.