Nội dung chính
- Quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
- Hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam:
- Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam:
- Thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
- Việc thanh toán của bên nhận chuyển nhượng cho bên chuyển nhượng vốn góp
- Quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư:
- Tải về: LUẬT ĐẦU TƯ 2014
Quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
Gần đây, việc mua cổ phần và góp vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam là hình thức đầu tư nước ngoài phổ biến tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài có quyền mua phần vốn góp trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các công ty cổ phần, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và hợp tác xã. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được giới hạn một tỷ lệ phần trăm nhất định, tùy từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể.
Theo Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014. Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào các công ty Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào công ty Việt Nam.
Hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam:
Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại công ty 100% vốn Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài được quyền góp vốn vào công ty Việt Nam theo các hình thức sau:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần thông qua việc mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn thông qua việc mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Góp vốn vào công ty hợp danh thông qua việc mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
– Góp vốn vào công ty Việt Nam theo hình thức khác. (Góp bằng quyền sở hữu trí tuệ, bằng trang thiết bị hoặc chuyển giao công nghệ…)
Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam:
– Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam phải tuân thủ hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty Việt Nam không hạn chế trừ các trường hợp như sau:
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không phải là công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam.
Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục như sau:
Thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nếu công ty chưa tách Giấy chứng nhận đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục tách và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân mới tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Bước 3: Sau khi tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp phép đầu tư.
Việc thanh toán của bên nhận chuyển nhượng cho bên chuyển nhượng vốn góp
Căn cứ Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thanh toán cho các giao dịch chuyển nhượng vốn đầu tư trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp đó. Do đó, khi có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn công ty Việt Nam phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một ngân hàng tại Việt Nam; có thể được mở bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ, tùy thuộc vào đồng tiền được dùng để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư:
Các công ty Việt Nam hoạt động theo luật doanh nghiệp chỉ có giấy đăng ký doanh nghiệp thì thủ tục chuyển nhượng công ty cho nhà đâu từ nước ngoài khá dễ dàng. Tuy nhiên, có những công ty đang thực hiện những dự án có giấy chứng nhận đầu tư. Thì thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư sẽ phức tạp hơn.
Theo quy định tại Điều 45 Luật Đầu tư 2014, điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư được quy định như sau:
“Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này;
b) Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
c) Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
d) Điều kiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).”
Tải về: LUẬT ĐẦU TƯ 2014
Do thủ tục để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam khá phức tạp mà các quy định thì thường xuyên có thay đổi, cho nên nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó khăn nếu tự thực hiện thủ tục. Khi đó, doanh nghiệp có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và ủy quyền thực hiện toàn bộ công việc.