Nội dung chính
- Những lưu ý khi chọn địa điểm kinh doanh
- Địa điểm kinh doanh là nhà chung cư
- Ngành nghề kinh doanh có được phép thực hiện trên địa điểm đó không?
- Treo biển hiệu tại địa điểm kinh doanh
- Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
- Các loại thuế, phí cần thiết khi thành lập địa điểm kinh doanh
- Tính hợp pháp của địa điểm kinh doanh trên giấy đăng ký doanh nghiệp
- Cơ sở pháp lý
Khi thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh. Doanh nghiệp phải hiểu rằng việc kinh doanh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro về pháp lý khi hệ thống pháp luật của ta chưa thật sự hoàn thiện. Có những doanh nghiệp kinh doanh nhiều năm đến khi bị phạt mới bất ngờ biết rằng địa điểm kinh doanh của mình không đúng với quy định pháp luật.
Vậy lựa chọn địa điểm kinh doanh như thế nào để phù hợp với nhu cầu đăng ký kin hdoanh và phù hợp với quy định pháp luật?
Những lưu ý khi chọn địa điểm kinh doanh
-
Địa điểm kinh doanh là nhà chung cư
Hiện nay, có 3 dạng chung cư: 1 – chỉ để ở, 2 – chỉ để kinh doanh, 3 – hỗn hợp vừa ở, vừa kinh doanh…
Nếu chung cư dùng để kinh doanh hoặc vừa để ở, vừa để kinh doanh thì chỉ những trường hợp sau đây bạn không được phép kinh doanh tại chung cư như:
– Kinh doanh vật liệu gây cháy nổ và các ngành, nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư.
– Kinh doanh vũ trường.
– Kinh doanh sửa chữa xe có động cơ.
– Kinh doanh giết mổ gia súc.
– Kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm khác.
Các ngành, nghề kinh doanh bị hạn chế đối với những chung cư dạng này là: dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar (nếu kinh doanh phải đảm bảo cách âm, phòng chống cháy nổ và có nơi thoát hiểm).
Còn dạng chung cư chỉ dùng để ở thì không được phép đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên hiện nay, các chung cư mới mọc lên mỗi ngày, doanh nghiệp không thể biết được chung cư nào dùng để ở, chung cư nào dùng để kinh doanh và chung cư nào là hỗn hợp. Trước khi ký hợp đồng thuê hãy người cho thuê để biết chắc việc này.
Quy định về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh theo luật nhà ở 2014
Đồng thời, theo quy định mới về nhà ở thì trường hợp trong Giấy tờ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ghi địa điểm kinh doanh trước ngày 01/7/2015 (ngày Luật nhà ở 2014 có hiệu lực) thì phải chuyển sang địa điểm kinh doanh khác trong vòng 06 tháng kể từ ngày 10/12/2015 và phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy tờ này. Sau thời điểm này (tức là 10/6/2016) thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được kinh doanh tại căn hộ chung cư.
Căn cứ: Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở 2014.
Vì vậy, lời khuyên cho doanh nghiệp muốn có trụ sở đăng ký kinh doanh ổn định thì không nên đặt tại các chung cư.
-
Ngành nghề kinh doanh có được phép thực hiện trên địa điểm đó không?
Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu rõ địa bàn mà mình định chọn làm địa điểm kinh doanh có cho phép kinh doanh ngành, nghề của mình không.
Trong thực tế, có một số địa bàn không cho phép kinh doanh một số ngành, nghề nhất định với lý do nếu cho phép kinh doanh ngành, nghề đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường hay an toàn sức khỏe của người dân.
Hội đồng nhân dân cấp thành phố hoặc cấp huyện cũng có quyền chỉ đạo quy hoạch khu vực kinh doanh như vậy. Cho nên quy định khác nhau ở các địa phương khác nhau là bình thường.
Ví dụ nếu doanh nghiệp buôn bán, sản xuất thực phẩm thì bạn phải đáp ứng một số điều kiện nhất định về địa điểm kinh doanh quy định tại Nghị định 67/2016/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng quán nhậu thì có một số khu vực gần trường học bệnh viện hoặc cả con đường không cho phép kinh doanh lĩnh vực đó để tránh gây mất an toàn giao thông hay mất an ninh trật tự.
-
Treo biển hiệu tại địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh bắt buộc phải treo biển hiệu. Biển hiệu phải đảm bảo cung cấp đủ thông tin sau:
– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).
– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Địa chỉ, điện thoại.
Lưu ý về kích thước:
* Biển hiệu ngang:
+ Chiều cao tối đa 02 m.
+ Chiều dài tối đa ngang mặt tiền nhà.
* Biển hiệu dọc:
+ Chiều ngang tối đa 01 m.
+ Chiều cao tối đa 04 m.
Không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
-
Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp cần làm Thông báo lập địa điểm kinh doanh và gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày lập.
Lưu ý: Địa điểm kinh doanh có thể khác với trụ sở chính và chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp thuê nhà để thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng thuê nhà làm địa điểm kinh doanh với chủ nhà.
-
Các loại thuế, phí cần thiết khi thành lập địa điểm kinh doanh
Ngoài chi phí thủ tục đăng ký kinh doanh để lập địa điểm kinh doanh. Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh mà doanh nghiệp còn phải nộp các loại thuế sau:
– Thuế môn bài
– Thuế giá trị gia tăng
– Thuế thu nhập doanh nghiệp
– Thuế thu nhập cá nhân
-
Tính hợp pháp của địa điểm kinh doanh trên giấy đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải đảm bảo tính trung thực, đúng đắn của các thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không chịu trách nhiệm về tính trung thực, đúng đắn của chúng. Vì vậy, dù cho hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có được duyệt thì vẫn không có nghĩa địa điểm kinh doanh ghi trên giấy đăng ký doanh nghiệp là hợp pháp.
-
Cơ sở pháp lý
– Luật quảng cáo 2012.
– Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
– Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
– Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.