Quy định về việc xử lý vi phạm hóa đơn

Quy định xử lý vi phạm hóa đơn

Vi phạm và xử lý vi phạm hoá đơn 

Câu hỏi 1:

Về việc xử lý vi phạm hóa đơn. Xin hỏi khi cơ quan thuế xuống kiểm tra hoá đơn tại doanh nghiệp thì có giới hạn về thời gian kiểm tra hay không? Vì nếu kiểm tra lâu sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 30, ChươngVI, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: “Thời gian kiểm tra hoá đơn tại trụ sở, cửa hàng của tổ chức, hộ, cá nhân không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết Thủ trưởng cơ quan thuế có thể gia hạn thời gian kiểm tra một lần, thời gian gia hạn không quá năm (05) ngày làm việc.”

Như vậy, thời gian kiểm tra tại doanh nghiệp tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu kiểm tra.

Câu hỏi 2:

Vừa qua cơ quan thuế xuống doanh nghiệp chúng tôi kiểm tra về hoá đơn. Ngày cuối cùng kiểm tra cơ quan thuế không lập Biên bản kiểm tra mà 5 ngày sau khi kết thúc kiểm tra (ngày làm việc) cơ quan thuế mới lập Biên bản kiểm tra. Như vậy có đúng quy định không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 30, ChươngVI, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: “Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra phải lập Biên bản kiểm tra.

Tổ chức, hộ, cá nhân bị kiểm tra được quyền nhận biên bản kiểm tra hóa đơn, yêu cầu giải thích nội dung Biên bản kiểm tra và bảo lưu ý kiến trong Biên bản kiểm tra (nếu có).

Như vậy, cơ quan thuế thực hiện đúng theo quy định.

Câu hỏi 3:

Doanh nghiệp tôi được tự in hoá đơn, nhưng trên hoá đơn của chúng tôi thiếu nội dung “mã số thuế của người bán”. Xin hỏi chúng tôi xử lý như thế nào? Có thể viết thêm mã số thuế của doanh nghiệp vào hoá đơn được không? Doanh nghiệp tôi có bị phạt không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm 1, Điều 28, Chương 5, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 51/2010/NĐ-CP” (tức Điểm 1, Điều 4, Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính)

Doanh nghiệp không được tự viết thêm nội dung “mã số thuế của người bán” vào hoá đơn. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp phải hủy các hóa đơn được in đúng quy định và in lại mẫu hoá đơn bao gồm đầy đủ các nội dung bắt buộc theo đúng quy định.

Câu hỏi 4:

Hành vi tự in hoá đơn giả để sử dụng bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điểm 3, Điều 28, Chương 5, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tự in hóa đơn giả, hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả, đồng thời bị phạt đình chỉ quyền tự in hóa đơn và quyền khởi tạo hóa đơn điện tử trong thời hạn 36 tháng (ba mươi sáu) tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.”

Câu hỏi 5:

Chúng tôi là công ty in, sau khi in hóa đơn cho khách hàng và thanh lý xong hợp đồng đặt in thì chúng tôi phát hiện ra còn một số hóa đơn in thử, in hỏng chúng tôi chưa hủy. Xin hỏi chúng tôi phải làm thế nào? Có bị phạt gì không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 2, Điều 30, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Không thanh lý hợp đồng in khi bên đặt in đã hoàn thành thủ tục thông báo phát hành;

b) Không hủy các sản phẩm in hỏng, in thừa khi tiến hành thanh lý hợp đồng in.”

Căn cứ Điểm 4, Điều 8, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì công ty in có trách nhiệm phải: “– Hủy hóa đơn in thử, in sai, in trùng, in thừa, in hỏng; các bản phim, bản kẽm và các công cụ có tính năng tương tự trong việc tạo hóa đơn đặt in theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân đặt in;”

Như vậy, ngoài việc bị phạt tiền công ty bạn còn phải thực hiện hủy các hóa đơn in thử, in hỏng đi.

Câu hỏi 6:

Công ty in của chúng tôi nhận được nhiều hợp đồng đặt in hóa đơn trong cùng một thời điểm. Xin hỏi chúng tôi có thể chuyển nhượng một số hợp đồng đã ký với khách hàng cho công ty in khác được không? Việc này có bị xử phạt không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 4, Điều 8, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì công ty in có trách nhiệm phải: “– In hoá đơn theo đúng hợp đồng in đã ký, không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào trong quá trình in hoá đơn cho tổ chức in khác thực hiện;

Căn cứ Điểm 4, Điều 30, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một khâu bất kỳ trong hợp đồng in hóa đơn cho cơ sở in khác.”.

Như vậy, công ty bạn không được chuyển nhượng hợp đồng in cho công ty in khác. Công ty bạn còn bị phạt tiền nếu chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hợp đồng in đã ký với khách hàng.

Câu hỏi 7:

Trường hợp có một doanh nghiệp đến và hỏi mua hóa đơn đặt in của doanh nghiệp khác (với lý do doanh nghiệp của họ sử dụng hóa đơn rất ít nên muốn mua luôn cho tiện). Nếu chúng tôi in thêm để bán cho doanh nghiệp này có bị xử phạt gì không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 5, Điều 30, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng này cho khách hàng khác.”

Câu hỏi 8:

Xin hỏi ngoài việc bị phạt tiền do in giả hóa đơn thì còn bị xử phạt gì nữa không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 6, Điều 30, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi in hóa đơn giả, đồng thời bị đình chỉ in hóa đơn trong thời hạn 36 (ba mươi sáu) tháng, kể từ khi hành vi bị phát hiện.”

Như vậy, ngoài việc bị phạt tiền do in giả hóa đơn, công ty in còn bị đình chỉ in hóa đơn trong thời hạn 36 tháng kể từ khi bị phát hiện hành vi in giả hóa đơn.

Câu hỏi 9:

Bạn tôi là chủ doanh nghiệp in. Tôi in hóa đơn cho công ty mình tại doanh nghiệp in của bạn tôi. Vì là bạn thân nên chúng tôi không ký hợp đồng in. Như vậy có được không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 3, Điều 8, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: Khi đặt in hóa đơn công ty bạn phải ký kết hợp đồng in hóa đơn với công ty in. Hợp đồng in hoá đơn được thể hiện bằng văn bản theo quy định của Luật Dân sự. Hợp đồng ghi cụ thể loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số lượng, số thứ tự hoá đơn đặt in (số thứ tự bắt đầu và số thứ tự kết thúc), kèm theo hóa đơn mẫu.

Căn cứ Điểm 1, Điều 29, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản.”

Câu hỏi 10:

Doanh nghiệp tôi vừa nhận được hóa đơn đặt in từ công ty in. Chúng tôi chưa làm thủ tục phát hành hóa đơn. Bạn tôi vừa thành lập doanh nghiệp và chưa có hóa đơn để sử dụng nên muốn mua hóa đơn của doanh nghiệp tôi. Việc này có bị coi là vi phạm không? Có bị xử phạt gì không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 5, Điều 29, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng.”

Như vậy, hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của doanh nghiệp mình cho doanh nghiệp khác sử dụng khi chưa làm thông báo phát hành là vi phạm quy định về quản lý sử dụng hóa đơn và phạt tiền theo quy định.

Câu hỏi 11:

Tôi làm mất hóa đơn mua của cơ quan thuế mà không khai báo việc bị mất hóa đơn thì có sao không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 3, Điều 31, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo việc làm mất hóa đơn đã mua.”

Như vậy, khi bị mất hóa đơn mua của cơ quan thuế nếu không khai báo bạn sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Câu hỏi 12:

Giám đốc công ty đi vắng nên chúng tôi chưa làm thông báo phát hành hóa đơn (Gửi cơ quan thuế và niêm yết tại trụ sở) nhưng công ty lại sử dụng hóa đơn để bán hàng. Như vậy có bị xử phạt không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 9, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: Công ty trước khi muốn sử dụng hóa đơn phải làm Thông báo phát hành hóa đơn gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý và niêm yết tại trụ sở công ty trong suốt thời gian sử dụng. Thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất năm (05) ngày trước khi tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành.

Thông báo phát hành hóa đơn có tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty.

Căn cứ Điểm 2, Điều 32, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì:  “2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập Tờ thông báo phát hành hóa đơn sau khi hóa đơn đã được sử dụng.”

Như vậy, nếu giám đốc đi vắng thì người được ủy quyền đại diện cho công ty theo pháp luật ký thông báo phát hành. Nếu công ty bạn sử dụng hóa đơn khi chưa ký thông báo phát hành thì ngoài việc bị phạt tiền, công ty còn phải thực hiện các thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định tại Điều 9, Thông tư 153 nêu trên.

Câu hỏi 13:

Doanh nghiêp tôi bán hàng hóa có giá trị lớn hơn 200.000 đồng rất nhiều, nhiều người mua hàng không lấy hóa đơn nên chúng tôi không lập hóa đơn cho những trường hợp này. Như vậy có đúng quy định không? Nếu không đúng thì có bị xử phạt gì không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 2, Điều 14, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: “Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.

Căn cứ Điểm 5, Điều 33, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán trên 200.000 đồng cho người mua”.

Như vậy, doanh nghiệp bạn ngoài việc bị phạt tiền còn phải lập hóa đơn giao cho người mua.

Câu hỏi 14:

Khách hàng mua hàng trị giá 5.000.000 đồng nhưng đề nghị chúng tôi viết hóa đơn trị giá 10.000.000 đồng. Trường hợp này công ty chúng tôi có bị xử phạt không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 2, Điều 21, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính thì: nếu công ty viết hóa đơn theo yêu cầu của khách hàng như vậy thì trường hợp này được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn: “– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.”

Căn cứ Điểm 7, Điều 33, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì: “7. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn bất hợp pháp.”

Tổng cục Thuế

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.