Nội dung chính
Bảng mã ngành kinh tế áp dụng trước ngày 20/08/2018
Bảng mã ngành dùng để quy định các ngành nghề trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Nó được hình thành và mô tả các hoạt động kinh tế diễn ra trên lãnh thổ kinh tế của Việt Nam. Hiện nay cả nước đang sử dụng bảng mã ngành được quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg. Sau 11 năm áp dụng, đã có nhiều thay đổi trong thực tế khiến bảng mã ngành cũ cần phải được điều chỉnh.
Ngày 06/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, thay thế cho Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Bảng mã ngành kinh tế áp dụng từ ngày 20/08/2018
Quyết định 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/8/2018 quy định chi tiết Danh mục và Nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê nhà nước. Trong đó, Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam bao gồm 05 cấp:
Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U.
Ngành cấp 2 gồm 88 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng.
Ngành cấp 3 gồm 242 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng.
Ngành cấp 4 gồm 486 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng.
Ngành cấp 5 gồm 734 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận. Trong đó, bao gồm những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế, loại trừ những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Sắp xếp theo tiêu chí hoạt động kinh tế
Hoạt động kinh tế là quá trình sử dụng nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, lao động, công nghệ, mạng thông tin… nhằm tạo ra các hàng hóa hoặc dịch vụ mới, như vậy mỗi hoạt động kinh tế có đặc trưng được thể hiện bằng quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Theo Quyết định, ngành kinh tế trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được hiểu là tập hợp các hoạt động kinh tế giống nhau dựa trên 3 tiêu chí xếp theo thứ tự ưu tiên:
1. Quy trình và công nghệ sản xuất của hoạt động kinh tế.
2. Nguyên liệu đầu vào mà hoạt động kinh tế sử dụng để tạo ra sản phẩm.
3. Đặc điểm của sản phẩm sản xuất ra của hoạt động kinh tế.
Phân loại dựa trên tính chất hoạt động kinh tế
Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam phân loại các hoạt động kinh tế dựa trên tính chất của hoạt động kinh tế, do đó cần lưu ý không căn cứ vào loại hình sở hữu, loại hình tổ chức, phương thức hay quy mô của hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, đối với hoạt động sản xuất giày dép thì bất kể hoạt động này thuộc sở hữu tư nhân hay nhà nước, loại hình tổ chức là doanh nghiệp độc lập, phụ thuộc hay cơ sở kinh doanh cá thể, được thực hiện theo phương thức thủ công hay máy móc, với quy mô sản xuất lớn hay nhỏ đều được xếp vào ngành: “Sản xuất giày dép”, mã số 15200…
Ngành kinh tế trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được hình thành từ các hoạt động kinh tế diễn ra trong lãnh thổ kinh tế của Việt Nam, bất kể các hoạt động kinh tế này do ai quản lý. Ngành kinh tế gắn với đơn vị kinh tế, tại đó người lao động làm việc với các nghề nghiệp khác nhau. Lao động theo ngành kinh tế phản ánh hoạt động kinh tế của mỗi cá nhân trong tổng thể các hoạt động của đơn vị.
Kể từ ngày 20/08/2018 các doanh nghiệp thành lập mới sẽ sử dụng hệ thống mã ngành kinh tế mới để đăng ký doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũ đang sử dụng hệ thống mã ngành cũ sẽ phải cập nhật bảng mã ngành trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của mình khi có bất kỳ thay đổi nào trên giấy đăng ký doanh nghiệp.
1 bình luận trong “Bảng mã ngành mới theo quyết định 27/2018”