Các quy định về hợp đồng khoán việc

hop dong khoan viec

Hợp đồng khoán việc là một dạng thỏa thuận sử dụng lao động rất phổ biến hiện nay, tuy nhiên, trên thực tế hợp đồng khoán việc lại không được quy định cụ thể tại Bộ luật lao động 2012. Vậy thực tế hợp đồng khoán việc có được xem là hợp pháp không? Người lao động khi ký hợp đồng này phải nộp thuế như thế nào? Họ có được hưởng những chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như những người lao động khác không?

Hợp đồng khoán việc là gì?

Là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.

Có mấy loại hợp đồng khoán việc?

Hợp đồng khoán việc toàn bộ:

Bên giao khoán trao cho bên nhận khoán toàn bộ các chi phí, bao gồm cả chi phí vật chất lẫn chi phí công lao động có liên quan đến các hoạt động để hoàn thành công việc.

Người nhận khoán phải tự lo công cụ lao động.

Hợp đồng khoán việc từng phần:

Trong khoản tiền người giao khoán trả cho người nhận khoán bao gồm chi phí vật chất, công lao động và lợi nhuận từ việc nhận khoán.

Người giao khoán phải trả tiền khấu hao công cụ lao động và tiền công lao động.

Hợp đồng khoán việc có hợp pháp hợp lệ không?

Trên thực tế, hợp đồng khoán việc vẫn được thừa nhận theo quy định pháp luật.

Bộ luật lao động 2012 không quy định cụ thể về hợp đồng khoán việc, tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành lại có quy định về hợp đồng khoán việc.

Những trường hợp nào được ký hợp đồng khoán việc?

Thông thường, căn cứ vào bản chất công việc, những loại công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định.

Những loại công việc mang tính chất ổn định lâu dài sẽ không được phép ký hợp đồng khoán việc mà phải ký hợp đồng lao động theo một trong ba loại sau:

– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

– Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Lưu ý: Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Như vậy, trong trường hợp tính chất công việc bắt buộc phải ký kết hợp đồng lao động nhưng người sử dụng lao động lại ký kết hợp đồng khoán việc là sai quy định. Về việc ký kết sai loại hợp đồng sẽ bị phạt hành chính từ 500.000 – 20.000.000 đồng tùy theo số lượng lao động vi phạm theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Ký hợp đồng khoán việc có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Thu nhập của cá nhân nhận được từ hợp đồng khoán việc được xếp chung vào nhóm thu nhập từ tiền lương, tiền công theo Luật thuế thu nhập cá nhân 2007.

Lao động theo hợp đồng khoán việc có được hưởng chế độ BHXH, BHYT không?

Theo Luật bảo hiểm xã hội 2006 đang được áp dụng hiện hành, thì những người lao động làm việc theo hợp đồng khoán không phải đóng BHXH, BHYT.

Chỉ trong trường hợp ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên buộc phải đóng BHXH, BHYT.

Nhiều doanh nghiệp thường chọn cách ký kết hợp đồng khoán việc với người lao động để tránh, không phải đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, cần phải xét bản chất công việc để ký kết hợp đồng phù hợp, tránh xảy ra tình trạng ký kết hợp đồng sai quy định, dẫn đến bị xử phạt hành chính.

20 bình luận trong “Các quy định về hợp đồng khoán việc

  1. Công ty em có khoán việc cho một nhân viên 2 tháng 16 triệu đồng công ty em có phải nộp thuế TNCN cho người này không ạ

    1. Chào bạn,

      Theo khoản i điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC
      – Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
      – Nếu cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu 02/CK-TNCN theo Thông tư 92/2015/TT-BTC) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
      Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
      Cá nhân làm cam kết phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

      Như vậy người được bạn khoán việc có thu nhập hơn 2 triệu mỗi lần hoặc mỗi tháng thì khi trả lương, kế toán sẽ khấu trừ thuế 10% thuế TNCN trên thu nhập trước khi trả cho họ.

  2. Cho e hỏi em xin về trường làm nhân viên y tế học đường và được kí hợp đồng khoán từ tháng 11/ 2017 đến 31 tháng 5/2018 …vậy cho e hỏi e có phải bắt buộc đóng Bhxh và bhyt không.? Nếu e đã mua bhyt từ trước rồi có bắt buộc mua nữa ko?dạ e cám ơn ạ

    1. Chào bạn,

      Về bảo hiểm xã hội.

      Theo Luật bảo hiểm xã hội, thì những người lao động làm việc theo hợp đồng khoán không phải đóng BHXH, BHYT.
      Trong trường hợp ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì buộc phải đóng BHXH, BHYT.
      Nhiều doanh nghiệp thường chọn cách ký hợp đồng khoán việc với người lao động để tránh không phải đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, cần phải xét bản chất công việc để ký kết hợp đồng phù hợp, nếu ký kết hợp đồng sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính.

      Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về các HĐLĐ như sau:
      + HĐLĐ không xác định thời hạn;
      + HĐLĐ xác định thời hạn (phải từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.);
      + HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
      Không được giao kết HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

      Theo khoản 3 Điều 2 Luật BHXH: người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo HĐLĐ mà hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH (người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều Luật BHXH có sử dụng từ mười lao động trở lên).

      Như vậy, theo các quy định pháp luật nêu trên, công ty bạn chỉ được quyền ký với bạn HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn là 6 tháng với điều kiện công ty tạm thời thay thế NLĐ đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác. Còn trường hợp công việc mà bạn đang đảm nhận có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên thì công ty không được quyền ký HĐLĐ với bạn với thời hạn là 6 tháng.

      Nếu bạn đã ký HĐLĐ với công ty với thời hạn là 6 tháng thì bạn không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

      Về Bảo hiểm y tế. Đây là một chủ để dài.

      Khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thứ tự ưu tiên tham gia BHYT như sau:
      “2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.”
      Một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì sẽ đóng BHYT theo đối tượng mà đầu tiên được xác định theo thứ tự Điều 12 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Chính vì vậy, mua BHYT theo đối tượng của người lao động xếp trước đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình nên khi tham gia quan hệ lao động bắt buộc phải mua BHYT theo doanh nghiệp.

      Tức là trường hợp của bạn vẫn phải tham gia bảo hiểm y tế theo doanh nghiệp dù đã có bảo hiểm y tế tự nguyện.

  3. cho e hỏi công ty e làm việc lắp đặt các công trình và các công trình này chỉ hoàn thành trong 1 hoặc 2 ngày và tính chất công việc là tương tự , em làm 1 hợp đồng khoán việc 1 lần thời gian 3 tháng cho một vài công nhân nhưng lại thuê họ lắp đặt thường xuyên ở nhiều công trình khác nhau, như vậy có hợp lệ không ? Nếu sai thì làm cách naò để ký hợp đồng đúng không sai quy định ?

    1. Chào bạn,
      Trường hợp của bạn có thể giải trình theo hướng hợp lý để việc bạn ký hợp đồng khoán việc như vậy là đúng quy định.
      Tuy nhiên bạn nên ký hợp đồng khoán việc cho từng địa điểm công trình khác nhau kèm theo văn bản bàn giao công việc khi hoàn thành và quy định rõ mức thù lao của từng việc.

  4. xin cho em hỏi trường học của em có thuê 01 bảo vệ 24/24h với mức lương 4,5 triệu gồm bảo vệ và vệ sinh trường học luôn và tuổi người lao động cũng đã hết tuổi lao động vậy có đúng luật không ah

    1. Chào bạn,
      Việc thuê lao động của bạn không sai luật.

      Theo Luật lao động.
      Điều 167, việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định như sau:
      – Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
      – Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.
      – Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
      – Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

    1. Chào bạn,
      Dù năm 2018 có nhiều quy định về BHXH nhưng về quy định với hợp đồng khoán việc không thay đổi. Theo đó thì những người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc không phải đóng BHXH, BHYT. Chỉ trong trường hợp ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên buộc phải đóng BHXH, BHYT.

  5. 1. Hợp đồng khoán việc có được ký với nhân viên tạp vụ và nấu ăn ko?
    2. Hợp đồng khoán việc khác gì với hợp đồng dịch vụ?

      1. Điều 518 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ; cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận (Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại). Như vậy, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng dịch vụ với người cung ứng dịch vụ để được sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý “cung ứng dịch vụ” là “hoạt động thương mại”, nên “người cung ứng dịch vụ” phải là “thương nhân”, tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại). Như thế là có sự khác nhau trong hợp đồng khoán việc và hợp đồng dịch vụ.

        1. Cảm ơn phần bổ sung của bạn Cuong. Phần bổ sung của bạn rất chính xác và hữu ích.

          Asadona xin lỗi bạn Kim vì đã trả lời vội vàng, xin bổ sung câu trả lời đến bạn Kim như sau:

          1. Trường hợp người được khoán việc là cá nhân hoặc nhóm có đăng ký kinh doanh, thì không khác gì hợp đồng dịch vụ.
          Theo Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân kinh doanh nhận thu nhập phải xuất hóa đơn tính thuế GTGT, thuế TNCN như sau:
          – Phân phối, cung cấp hàng hóa: Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1 %; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
          – Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.

          2. Đối với cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Thì hợp đồng khoán việc có khác hợp đồng dịch vụ. Điểm khác chủ yếu ở phần tính thuế như sau:
          Theo Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC:
          – Tổ chức trả thu nhập khấu trừ 10% tổng thu nhập phần thuế TNCN trước khi trả thu nhập. Tổ chức trả thu nhập kê khai và nộp 10% thuế của cá nhân.
          – Hoặc, lập bản cam kết (mẫu 02/CK-TNCN) thì không khấu trừ 10% nếu ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế.

  6. Cho mình hỏi .
    xếp mình thành lập 2 công ty , vậy , một bên đã ký hợp đồng lao động đóng bảo hiểm xã hội vây, bên công ty thứ 2 , mình làm hợp đồng khoán viêc được không và thời han bao lâu ?

    1. Chào bạn,
      Trường hợp của bạn có thể ký hợp đồng khoán việc.
      Hợp đồng khoán việc không bị giới hạn thời gian bao lâu mà theo nội dung công việc, khi nào hoàn tất công việc được khoán thì kết thúc hợp đồng.

  7. cho em hỏi hợp đồng của em ký 1 năm một lần được trả lương 3 triệu một tháng và trong hợp đồng ghi rõ chi cục thi hành án chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm cho em mà kho bạc không chịu chuyển khoản bảo hiểm cho em vậy kho bạc sai hay đúng, dựa theo điều bao nhiêu ah, em xin cảm ơn và nhờ tư vấn

  8. đơn vị em ký hợp đồng khoán việc với 5 người dân để cạo mủ cao su. việc ký hợp đồng khoán việc như vậy có đúng không ạ. cạo mủ cao su mỗi năm được nghỉ 03 tháng. đến mùa vụ mới lại ký hợp đồng tiếp. có được không ạ?

    1. Chào bạn,
      Theo Bộ luật lao động 2012 những trường hợp được sử dụng hợp đồng khoán việc đó là: trường hợp công việc giao khoán là công việc chỉ mang tính chất thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, là công việc không có tính chất ổn định và lâu dài.
      Như vậy trường hợp của bạn là mỗi người lao động làm việc 9 tháng mỗi năm và công việc có lặp lại, có tính ổn định lâu dài. Bạn không nên dùng hợp đồng khoán việc lúc này nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.