Mở rộng đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/1/2014
Các đối tượng này gồm: Bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; Tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức.
Một trong những điểm mới của chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) được thực thi từ ngày 1/1/2014 là mở rộng đối tượng được miễn thuế.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế Vũ Văn Cường các đối tượng này gồm: Bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; Tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bên cạnh đó, điều chỉnh một số nhóm dịch vụ chịu thuế để phù hợp với thực tế hiện nay như: Chuyển dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư thuộc đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%; Quy định mức doanh thu để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
Tuy nhiên, đối với hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT, Phó Vụ trưởng Vũ Văn Cường cho biết, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, cần quy định chi tiết năm có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống làm căn cứ xác định là năm dương lịch trước liền kề vì thực tế có trường hợp mới ra kinh doanh chưa đủ 12 tháng, kinh doanh theo mùa vụ, tạm ngừng kinh doanh….
Ngoài ra, trên thực tế đã phát sinh một số trường hợp chuyển nhượng quyền góp vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc quyền tham gia dự án đầu tư nhưng do chưa có quy định nên phát sinh vướng mắc. Đối với chuyển nhượng quyền góp vốn, hoạt động này có liên quan đến vốn và do thuế GTGT không thu trên các hoạt động về vốn nên cần quy định chuyển nhượng quyền góp vốn không chịu thuế GTGT như chuyển nhượng vốn.
Trên cơ sở đó, đối với chuyển nhượng dự án đầu tư, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đã đề xuất xử lý theo 2 phương án:
Phương án 1: Chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư thuộc diện không tính thuế GTGT; thuế GTGT đầu vào sử dụng cho dự án đầu tư sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế đã được khấu trừ, hoàn thuế không bị truy hoàn.
Theo Bộ Tài chính, phương án này không ảnh hưởng đến số thu ngân sách Nhà nước (vì nếu tính thuế thì bên nhận chuyển nhượng được kê khai, khấu trừ). Phương án này có ưu điểm là người nhận chuyển nhượng không phải ứng số tiền lớn ra để nộp thuế và kê khai khấu trừ, chờ hoàn thuế GTGT.
Phương án 2: Chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư thuộc diện chịu thuế GTGT. Phương án này có hạn chế là không khuyến khích chuyển nhượng dự án đầu tư, vì bên nhận chuyển nhượng phải ứng trước số tiền lớn để nộp thuế và kê khai, khấu trừ và chờ hoàn thuế.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong các lĩnh vực ngoài ngành và tự tái cấu trúc giữa các thành viên trong cùng tập đoàn nên phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư.
Việc tính thuế GTGT sẽ buộc doanh nghiệp nhận chuyển nhượng và doanh nghiệp chuyển nhượng thu xếp khoản vốn lớn, làm ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ thực hiện theo phương án 1.