Nội dung chính
- Điều kiện thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại
- Điều kiện đối với Bên nhượng quyền
- Điều kiện đối với Bên nhận quyền
- Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại
- Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
- Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:
- Các văn bản luật quy định hoạt động nhượng quyền
- Các vấn để cần lưu ý trong hoạt động nhượng quyền
- Nhượng quyền là gì?
- Lợi ích của doanh nghiệp khi nhượng quyền
- Đối với doanh nghiệp nhượng quyền
- Rủi ro khi nhượng quyền
- Đối với bên nhận nhượng quyền
- Rủi ro khi nhận nhượng quyền
Nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng một sản phẩm hoặc một quy trình hoạt động là một đối tượng sở hữu công nghiệp và đang được bảo hộ. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác.
Điều kiện thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại
Điều kiện đối với Bên nhượng quyền
Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Trường hợp thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại ít nhất 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại.
Đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền;
Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định của pháp luật.
Điều kiện đối với Bên nhận quyền
Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại.
Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại
Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
Trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp Giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương hoặc có đủ điều kiện kinh doanh.
Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.
Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại:
Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu.
Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ.
Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
Các văn bản luật quy định hoạt động nhượng quyền
Nhà nước Việt Nam đã có các quy định khá cụ thể về NQTM như: Luật Thương Mại 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Bộ luật dân sự 2005, Luật Cạnh tranh 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra do tính chất đặc thù của mình, hoạt động NQTM còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác có liên quan như: pháp luật về dịch vụ phân phối, thuế, doanh nghiệp, đầu tư, phá sản, pháp luật điều chỉnh hoạt động quảng cáo chào bán quyền thương mại, pháp luật hành chính, hình sự…
Các vấn để cần lưu ý trong hoạt động nhượng quyền
Nhượng quyền là gì?
Nhượng quyền thương mại thực chất là việc bên có quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, hay bí mật kinh doanh là bên nhượng quyền, cấp phép cho bên thứ hai đủ điều kiện là bên nhận nhượng quyền, quyền để kinh doanh / sản xuất dưới nhãn hiệu / tên thương mai, bí quyết… của mình. Trong đó, bên nhượng quyền còn có thể tiến hành những hoạt động cần thiết để đào tạo và trợ giúp bên nhận nhượng quyền thiết lập những nền tảng ban đầu trong hoạt động kinh doanh. Đổi lại, bên nhận nhượng quyền buộc phải trả một khoản phí duy trì nhất định để hoạt động kinh doanh theo mô hình đã được nhượng quyền.
Kinh doanh theo hình thức nhượng quyền thương mại đã tồn tại tương đối lâu trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam hình thức này chỉ mới bước đầu nở rộ trong thời gian gần đây, và đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng trong các chiến lược mở rộng quy mô hoạt động của mình. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều triển khai thành công chiến lược kinh doanh theo mô hình này, và đã có không ít tên tuổi, nhãn hiệu đã bị thiệt hại đáng kể cả về doanh thu cũng như uy tín trên thương trường do những sai lầm trong quá trình thực hiện chiến lược nhượng quyền.
Lợi ích của doanh nghiệp khi nhượng quyền
Đối với doanh nghiệp nhượng quyền
Nhượng quyền thương mại có khả năng tạo dựng cho doanh nghiệp nhượng quyền một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính. Thông qua hệ thống liên kết này, doanh nghiệp có khả năng thu được một nguồn thu tương đối ổn định từ khoản phí nhượng quyền cùng với phần trăm doanh thu hàng năm từ phía các bên nhận nhượng quyền. Đây cũng được coi là một kênh huy động nguồn lực tài chính vô cùng hiệu quả và đáng tin cậy cho doanh nghiệp nhượng quyền trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược đầu tư kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, thông qua mạng lưới các bên nhận nhượng quyền, doanh nghiệp có thể thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã coi “nhượng quyền thương mại” như là một lựa chọn tối ưu bằng cách tận dụng nguồn lực “địa phương” để thâm nhập hiệu quả vào thị trường nội địa của các quốc gia đang phát triển mà không phải đối mặt với bất kỳ một rào cản thương mại hoặc pháp lý nào. Đặc biệt, chiến lược đầu tư này đặc biệt tỏ ra vô cùng hiệu quả đối với những lĩnh vực hạn chế hiện diện thương mại hoặc sự tham gia kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại khu vực thị trường nội địa. Trong khi đó, chi phí mà doanh nghiệp nhượng quyền phải bỏ ra để triển khai mô hình nhượng quyền thương mại hầu như không đáng kể.
Mặt khác, xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp nhượng quyền không phải tốn bất kỳ một chi phí nào để duy trì và quản lý một bộ máy sản xuất kinh doanh khổng lồ và thường xuyên có nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề kinh niên như cơ sở vật chất, nhà xưởng, máy móc và những xung đột về văn hoá tại quốc gia sở tại. Trong khi đó, những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết một cách hiệu quả và nhanh chóng thông qua hệ thống các bên nhận nhượng quyền trong nội địa nhờ những lợi thế kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài không thể có được. Như vậy, doanh nghiệp nhượng quyền sẽ có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc hơn để đầu tư vào các vấn đề ở tầm vĩ mô khác như chiến lược phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, đầu tư công nghệ mới…
Rủi ro khi nhượng quyền
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể thu được, doanh nghiệp nhượng quyền cũng cần phải nhận thức được những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh thông qua mô hình nhượng quyền thương mại.
Rủi ro đầu tiên có thể phát sinh từ mô hình nhượng quyền thương mại là khả năng nhãn hiệu, tên thương mại của doanh nghiệp nhượng quyền bị chính hệ thống các bên nhận nhượng quyền của mình làm tổn hại. Thông thường, các doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại phải tuân thủ một cách hết sức chặt chẽ những tiêu chuẩn bắt buộc về giá cả, chất lượng hàng hoá dịch vụ được cung cấp, quy cách phục vụ và thậm chí cả về quy mô kinh doanh do bên nhượng quyền đặt ra. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhượng quyền vẫn có thể cho phép có những thay đổi, cải tiến nhất định trong phong cách phục vụ, thậm chí là tiêu chuẩn hàng hoá, dịch vụ … để có thể nhanh chóng xâm nhập vào thị trường nội địa và để phù hợp với phong tục, văn hoá và thói quen tiêu dùng của người dân sở tại. Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp nhượng quyền không kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của hệ thống các bên nhận nhượng quyền thì rất có thể uy tín và thương hiệu của chính doanh nghiệp đó sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và buộc phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường.
Mô hình nhượng quyền thương mại luôn luôn đi kèm với việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền được quyền sử dụng một số tài sản thuộc quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền như nhãn hiệu, kiểu dáng hoặc sáng chế. Đây được coi là một trong những điều kiện không thể thiếu để tạo điều kiện cho bên nhận nhượng quyền có thể tạo lập cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, việc chấp nhận trao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cũng đồng nghĩa với việc bên nhượng quyền phải chấp nhận khả năng bên nhận nhượng quyền trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình ngay trên một thị trường thứ ba khác do ảnh hưởng của cơ chế cạn quyền trong sở hữu trí tuệ.
Đối với bên nhận nhượng quyền
Lơi ích mà bên nhận nhượng quyền có thể thu được trong việc triển khai kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại thường rất lớn. Thay vì phải tốn công sức vào việc thiết lập một dự án kinh doanh mới thường chứa nhiều yếu tố rủi ro khó dự đoán, doanh nghiệp chỉ việc mua lại công nghệ kinh doanh từ bên giao, tiếp tục ý tưởng đã được thử nghiệm và thực hiện thành công của bên giao. Đồng thời, bên nhận nhượng quyền hoàn toàn có thể tận dụng và phát huy những lợi thế kinh doanh từ thương hiệu, công nghệ sản xuất… đã được bên nhượng quyền tạo lập, hoàn thiện trong nhiều năm để nhanh chóng xâm nhập và tạo dựng chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường.
Ngoài ra, kinh doanh theo phương thức nhận nhượng quyền thương mại, bên nhận còn được đào tạo những phương thức và kỹ năng quản lý trong thực tiễn hoạt động kinh doanh từ những nhà đầu tư danh tiếng trên thế giới. Thông qua cơ hội được tiếp xúc và được chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã được thử nghiệm và đúc rút trong nhiều năm của bên nhượng quyền thương mại, bên nhận nhượng quyền tự xây dựng và phát triển cho mình những tri thức quản lý riêng, có thể áp dụng cho các chiến lược kinh doanh tương tự khác của mình.
Rủi ro khi nhận nhượng quyền
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi có thể khai thác được từ mô hình kinh doanh franchise, doanh nghiệp phía nhận nhượng quyền thương mại cũng buộc phải chịu chấp nhận sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của bên nhượng quyền đối với một số vấn đề trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, việc nhập khẩu nguyên liệu… Ngoài ra, bên nhượng quyền thường bảo lưu quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên nhận nhượng quyền ngay lập tức chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh dưới nhãn hiệu hoặc mô hình kinh doanh đã được nhượng quyền trước đó nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được một số điều kiện nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Trong trường hợp này, rủi ro mà doanh nghiệp nhận nhượng quyền có thể rất lớn, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hoá hoặc các đơn đặt hàng còn đang tồn đọng…
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, franchise có thể được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu để có thể đứng vững trong điều kiện thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, trước khi chính thức ký kết hợp đồng để trở thành bên nhận nhượng quyền thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét và nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng đối với một số vấn đề và điều khoản quan trọng như: Thế mạnh về thị trường, tài chính và thương hiệu của bên giao tiềm năng, chất lượng đào tạo ban đầu và trong quá trình triển khai mô hình franchise, quy trình kiểm tra, giám sát của bên giao và các quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, trách nhiệm về các hoạt động quảng cáo và phát triển thương hiệu của bên giao, quyền phân phối sản phẩm, dịch vụ của bên nhận…
Ngoài ra để đảm bảo tối đa sự linh hoạt và độc lập trong hoạt động kinh doanh của bên nhận, doanh nghiệp cũng cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hình thức pháp lý của hợp đồng sẽ được ký kết giữa hai bên. Thông thường, trong trường hợp này, các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của một bên tư vấn pháp lý độc lập để tránh những bất lợi không đáng có xảy ra. Asadona có thể tư vấn cho doanh nghiệp từ khi có ý định nhượng quyền, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tìm kiếm nhãn hiệu để nhượng quyền, tìm đối tác nhượng quyền, soạn thảo hợp đồng nhượng quyền, và các thủ tục để thực hiện hoạt động nhượng quyền. Hãy liên hệ với chúng tôi khi quý khách có nhu cầu kinh doanh nhượng quyền.