Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Nghị định 11/2016/NĐ-CP về lao động nước ngoài

Ngày 03/2/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cụ thể, Nghị định 11/2016/NĐ-CP với các nội dung chủ yếu như xác định lại đối tượng áp dụng; người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tình nguyện viên, chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật; xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu; các quy định đối với trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Nghị định 11/2016/NĐ-CP áp dụng với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức: Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.

Người sử dụng lao động nước ngoài

Người sử dụng lao động nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng; văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hội, hiệp hội được thành lập theo quy định của pháp luật,; hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thời hạn của giấy phép lao động

Về thời hạn của giấy phép lao động, Nghị định 11/2016/NĐ-CP nêu rõ: Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 2 năm: Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết; thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tácViệt Nam và nước ngoài; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài; thoià hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ của người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ; thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó; thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Cũng theo nội dung Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, nghị định sẽ xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; trình tự cấp phép, cấp lại giấy phép cho lao động và thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp không quá 2 năm. Đồng thời, Nghị định cũng quy định giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Điều 174 Bộ luật Lao động và trục xuất người lao động nước ngoài. Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động, hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này (sau đây viết tắt là người laođộng nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động) bị trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2016. Nghị định số 102/2013/NĐ-CP ngày 05/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Điểm a Mục 4 Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 8/7/2014 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành.

Tải về  Nghị định 11/2016/NĐ-CP

Vấn đề người lao động di chuyển nội bộ không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Ngày 22/12/2014 Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BCT quy định căn cứ xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:

Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;
Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO;
Người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:

Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam;
Hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO;
Người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Thủ tục xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO

Hồ sơ để chứng minh người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định bao gồm:

Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ thời hạn làm việc của người lao động;
Văn bản xác nhận là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật;
Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam;

Các giấy tờ quy định cấp tại nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong phạm vi mười một ngành dịch vụ là một trong các giấy tờ sau: Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam (một (01) bản sao chứng thực).

Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO thực hiện các thủ tục xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.