Về định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN), trong một số cuộc thảo luận gần đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cần thúc đẩy cải cách mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa, tạo môi trường kinh doanh thực sự hiệu quả cho cộng đồng DN.
Với rất nhiều kinh nghiệm tham gia sửa đổi Luật DN năm 2000, 2005, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, đề xuất cần có một bản tổng kết về tình hình thi hành Luật DN 2005, trong đó nêu ra những điểm được cũng như chưa được trong việc thi hành Luật DN. Đặc biệt, cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát triển các hoạt động của DN.
Tạo điều kiện cho DN
Hiện nay, việc cổ phần hóa (CPH) các DN nhà nước (DNNN) vẫn chưa làm được nhiều, tạo ra sự bất bình đẳng giữa DNNN với DN tư nhân khác. Về việc quản lý nhà nước, hiện nay chưa có sự nhất quán, vẫn chồng chéo, nhiều bên nhảy vào với mục đích trục lợi, và trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi không làm trọn trách nhiệm quản lý nhà nước cần phải quy định rõ hơn nữa.
“Phải làm tốt hơn nữa việc quản trị DN, cụ thể ở chức năng giám sát, công khai, minh bạch hoạt động DN. Có thể tách riêng để thảo luận riêng về DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DNNN”, ông Tuấn nói.
Luật DN sửa đổi lần này phải tạo ra được sự đột phá, đó là kiến nghị rõ ràng của ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị DN Việt Nam, vì ông cho rằng cách tiếp cận sửa luật vẫn rất truyền thống, vẫn còn cũ, theo hướng quy định nào thiếu thì thêm vào, quy định nào còn bất cập thì sửa đổi. Đây là hướng logic thông thường:
Tạo môi trường kinh doanh thực sự hiệu quả cho cộng đồng DN
“Định hướng nên theo ở đây là tìm ra những điểm mấu chốt. Chọn một vài điểm trong số đó và đưa ra thông điệp là sẽ làm gì, từ đó tổ chức hội thảo hướng tới điểm đó. Ví dụ về vấn đề “bình đẳng”; “quan hệ giữa chính quyền và DN”: có bình đẳng hay không; chế tài xử lý ra sao; “quản trị DN”. Làm như vậy sẽ tạo ra sự hào hứng, hứng khởi và hy vọng cho toàn xã hội trong việc sửa đổi Luật DN, vì thực tế là những chi tiết về mặt kỹ thuật như con dấu…, các chuyên gia đã nắm rất rõ điều này”, ông Tiến đề xuất.
Với kiến nghị rõ ràng, mạnh mẽ, ông Trần Vũ Hải – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội, đề xuất thành lập Ủy ban cải cách thể chế kinh tế, phải cải cách các luật liên quan: Luật ưu đãi, khuyến khích và bảo hộ đầu tư (thay thế cho Luật Đầu tư); Luật DN và đăng ký kinh doanh; Luật DN đại chúng; Luật quản lý vốn nhà nước trong kinh doanh; Luật phá sản: “Phải ban hành cùng một thời điểm, đồng bộ những luật này để tạo ra hiệu quả cao. Luật khác chỉ được khác ở những điểm nào mà Luật này quy định, ngoài ra không được phép khác. Về Luật hình sự và Luật DN cần phải nghiên cứu lại mối quan hệ giữa 2 Luật này. Luật DN phải quy định rõ những loại vi phạm nào là vi phạm hình sự, hành vi nào là vi phạm hành chính”.
Ông Trương Thanh Đức – Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên VIAC, nhấn mạnh về hành trình chuyển đổi tư duy, tinh thần DN sang các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp là một hành trình dài, Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề về đăng ký kinh doanh để tránh rủi ro cho DN.
Ông Cao Bá Khoát – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn DN K & Cộng sự, đề nghị thiết kế lại cấu trúc Luật DN theo hướng tách bạch rõ ràng giữa phạm vi điều chỉnh của Luật DN (đăng ký kinh doanh, thành lập DN, quản trị pháp lý DN) và hoạt động đầu tư, kinh doanh… của DN (theo luật chuyên ngành các lĩnh vực).
“Luật DN hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập lớn, một trong những vấn đề cơ bản chúng ta cần quan tâm đó chính là cấu trúc Luật DN nên tách bạch rõ ràng phạm vi điều chỉnh”, ông Khoát nói.
Tránh tồn tại kinh doanh trái phép
Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, đề xuất Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi đưa ra định hướng: Một là, tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần của Luật DN 2005; tiếp tục mục tiêu Luật DN 2005 đã đề ra nhưng chưa đạt được. Hai là, bãi bỏ, sửa đổi các nội dung quy định hiện hành không còn phù hợp hoặc không còn hợp lý so với sự phát triển kinh tế xã hội, thông lệ quốc tế tốt… Ba là, bổ sung quy định điều chỉnh một số vấn đề thực tiễn mới xuất hiện. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc định hướng trong sửa đổi Luật DN là: trao thêm quyền thoả thuận của những người góp vốn thành lập DN trong Điều lệ công ty. Điều đó có nghĩa là Luật chỉ quy định khung về những vấn đề đặc biệt quan trọng, những quy định cụ thể trong quản trị DN sẽ để những người góp vốn thoả thuận và quy định trong Điều lệ.
Về ngành nghề kinh doanh, ông Hải cho rằng cần dứt khoát phương án giải quyết để tránh tồn tại kinh doanh trái phép: Một là, DN có quyền lựa chọn tất cả các ngành nghề mà Luật không cấm, và hai là DN phải tự gò bó chỉ kinh doanh một số lĩnh vực và phải có đủ điều kiện kinh doanh, được cấp giấy phép trong lĩnh vực đó.
Còn ông Trương Thanh Đức lấy ví dụ: Một trong 10 vụ “đại án” tham nhũng được nêu ra gần đây đang khép tội kinh doanh trái phép đối với những hành vi hoạt động hợp tác, kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu và trái phiếu của DN khác, với nhận định đó là hoạt động “kinh doanh tài chính trái phép”, “không đúng với nội dung đã đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lợi dụng danh nghĩa cơ quan tổ chức để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu”.
Nếu như vậy thì DN nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh hay xuất khẩu hàng hóa do mình làm ra, quảng cáo bán hàng của mình… đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép, vì không ai đi đăng ký kinh doanh những hoạt động đương nhiên đó, nếu như họ không phải là nhà kinh doanh chuyên nghiệp đối với các hoạt động này. Nếu việc góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu của DN khác mà phạm tội kinh doanh trái phép, chỉ vì không có chức năng “kinh doanh tài chính” thì có thể khẳng định 99% DN, doanh nhân đã, đang và sẽ góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu đều có thể phạm tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo Thời Báo Kinh Doanh – Quang Hợp