5 vấn đề pháp lý cần lưu ý khi đặt tên công ty

thu-tuc-dang-ky-doanh-nghiep

Căn cứ pháp lý hiện hành quy định về việc đặt tên doanh nghiệp:

– Luật doanh nghiệp 2014.

– Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Những điều cần lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp

Khi thành lập một doanh nghiệp, đặt tên cho doanh nghiệp là việc khiến những doanh nhân mất nhiều thời gian nhất. Hiện nay bạn không thể chọn ngay tên mình muốn được, nó còn phụ thuộc 5 yếu tố khác nữa:

1. Các thành tố tạo nên tên doanh nghiệp

Có 2 thành tố bắt buộc tạo nên tên doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng của doanh nghiệp

Về loại hình:

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: Công ty trách nhiệm hữu hạn – Công ty TNHH.

Đối với công ty cổ phần: Công ty cổ phần – Công ty CP.

Đối với công ty hợp danh: Công ty hợp danh – Công ty HD.

Đối với doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân – DNTN – Doanh nghiệp TN.

Về tên riêng của doanh nghiệp:

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Hiện nay tên doanh nghiệp phải không trùng trên toàn quốc. Để biết tên doanh gnhiệp mình chọn có trùng với doanh nghiệp khác không thì bạn cần tham khảo những doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng cách vào https://dangkykinhdoanh.gov.vn và đánh tên mà bạn dự định chọn kiểm tra.

Quy định về việc sử dụng tên doanh nghiệp:

– Các DN hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) được tiếp tục sử dụng tên DN đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên.

– Tên DN phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN. Tên DN phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do DN phát hành.

2. Tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp

– Tên DN bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của DN có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

– Trường hợp DN có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của DN được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của DN tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của DN hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do DN phát hành.

– Tên viết tắt của DN được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.

3. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của DN đã đăng ký.

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

– Tên trùng là tên tiếng Việt của DN đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của DN đã đăng ký.

– Các trường hợp sau được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của DN đã đăng ký:

+ Tên tiếng Việt của DN đề nghị đăng ký được đọc giống như tên DN đã đăng ký.

+ Tên viết tắt của DN đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của DN đã đăng ký.

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của DN đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của DN đã đăng ký.

+ Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của DN đó. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)

+ Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”.(không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)

+ Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của DN cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của DN đã đăng ký. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký)

+ Tên riêng của DN đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự. (không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký).

– Người thành lập DN hoặc DN không được đặt tên DN trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN trên phạm vi toàn quốc, trừ những DN đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Lưu ý: Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên DN hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên DN.

Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của DN theo quy định pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.

5. Tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

– Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của DN, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó.

Trước khi đăng ký đặt tên DN, người thành lập DN hoặc DN có thể tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, cụ thể tại http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/tra-cuu-nhan-hieu-hang-hoa-truc-tuyen/414.html

– DN phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên DN xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì DN có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.

– Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu DN có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.

Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh các tài liệu cần thiết sau:

+ Bản sao hợp lệ văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên DN là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ trên, Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo yêu cầu DN có tên xâm phạm đổi tên DN và tiến hành thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày ra Thông báo. Sau thời hạn trên, nếu DN không thay đổi tên theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

– Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên DN hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên DN nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện trong thời hạn do pháp luật quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu DN báo cáo giải trình theo quy định.

Trường hợp DN không báo cáo, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký DN.

, , , , ,

10 bình luận trong “5 vấn đề pháp lý cần lưu ý khi đặt tên công ty

  1. Chào Asadona. Asadona cho em hỏi hai nội dung liên quan đến đặt tên của Doanh nghiệp như sau:
    Thứ nhất: khoản 3 Điều 39 LDN 2014 quy định không được sử dụng từ ngữ ký hiệu vi phạm truyền thống, đạo đức lịch sử văn hóa của dân tộc để đặt tên doanh nghiệp. Vậy cơ sở nào để cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp xác định việc đặt tên có vi phạm truyền thống, đạo đức lịch sử văn hóa của dân tộc? Theo em biết thì trước đây có Thông tư 10/2014/TT-BVHTTVDL có quy định nhưng đã bị bãi bỏ bởi Thông tư 05/2016/TT-BVHTTVDL. Vậy hiện nay khi lựa chọn tên, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đâu để tránh vi phạm?
    Thứ hai: tại khoản 2 Điều 40 LDN 2014 cũng quy định nếu doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp. Tuy nhiên LDN không quy định khổ chữ nhỏ hơn này là nhỏ hơn bao nhiêu, giả sử tên bằng tiếng Việt khổ chữ là 30 và tên bằng tiếng nước ngoài khổ chữ là 29. Việc chênh lệch về khổ chữ khi in ra sẽ không đáng kể, vậy doanh nghiệp có được phép thực hiện hay không?

    1. Chào Asadona. Asadona cho em hỏi 1 vấn đề sau.
      em quê ở Huế. năm 2017 bố em muốn bán quán bán món ăn vặt ở Huế. Ông đặt tên cho quán là Mi tau, theo ông nói là tên này rất thân thiện với người miền Trung, có nghĩa là Mày- tao hay là Anh- tôi. quán mở được 2 tuần thì công an quận đến lập biên bản và xử phạt 800.000 VNd, trong đó có lí do phạt vì đặt tên quán bằng tiếng nước ngoài. bố em không chịu kí vào biên bản và nlamf đơn khiếu nại vì ông cho rằng hai từ Mi tau viết tách rời nhau, đọc được như tiếng việt, ai cũng hiểu được là Mày tao theo tiếng HUế, không thể là tên nước ngoài được.
      Asando cho em hỏi là bố em đặt tên quán là Mi tau đã được chưa, và cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt đúng hay sai và tại sao / em cảm ơn. Rất mong được sự tư vấn của asadona

      1. Chào bạn,
        Về việc đặt tên hộ kinh doanh. Được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP Về đăng kí kinh doanh:
        Điều 73. Đặt tên hộ kinh doanh
        1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:
        a) Loại hình “Hộ kinh doanh”;
        b) Tên riêng của hộ kinh doanh.
        Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
        2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
        3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
        4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.

        Như vậy, về quy định đặt tên hộ kinh doanh, tên MI TAU là đúng luật, không sai phạm gì, kể cả việc có xem nó là tiếng nước ngoài thì nó vẫn không vi phạm.

        Căn cứ để họ phạt bạn:
        Điều 18 Luật quảng cáo năm 2012 quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo thì trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt.
        Trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.

        Vậy nếu xem bảng của bạn là BẢNG QUẢNG CÁO VÀ chữ này là TIẾNG NƯỚC NGOÀI thì bên bạn vi phạm luật quảng cáo.

        Vấn đề là làm sao xác định nó là BẢNG QUẢNG CÁO TIẾNG NƯỚC NGOÀI.
        1. Chữ MI và chữ TAU có trong từ điển tiếng Việt. Dù không tính nó là từ địa phương thì nó vẫn có nghĩa riêng trong từ điển chính thức.
        2. Nếu bạn có giấy đăng ký kinh doanh đã đăng ký tên HỘ KINH DOANH MI TAU thì bạn có thể treo biển hiệu ghi tên đã đăng ký. Nó là biển hiệu, không phải bảng quảng cáo. Vì vậy phạt bạn theo luật quảng cáo là sai.

        Bạn có thể liên hệ văn phòng luật sư gần nhất để họ tư vấn cho bạn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011. Cụ thể:
        Về trình tự khiếu nại được quy định tại khoản 1 Điều 7:
        ” 1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
        Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
        Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

  2. Xin chào Asadona! Em tên là Lê Đức Phong – Đăng ký hộ kinh doanh mang tên Lê Đức Phong. Địa chỉ tại tỉnh Phú Thọ gần Đền Hùng. Ngành nghề kinh doanh: Mua bán mồi câu cá, đồ câu cá.
    Hiện nay em đang sản xuất và cung cấp các loại mồi câu cá với tên gọi nhãn hiệu “Mồi câu cá Hùng Vương”.
    Nhãn hiệu này đã được Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ ngày 24/01/2017 (Ngày nộp đơn 26/12/2016). Đến nay em chưa nhận được Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nêu trên.
    Vậy em xin nhờ Asadona giải đáp vấn đề như sau:
    1. Tên nhãn hiệu “Mồi câu cá Hùng Vương” có phạm úy hay vi phạm quy định về đặt tên nhãn hiệu hay không?
    2. Theo em được biết thì sau 15 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ thì sẽ được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có đúng không ạ?
    Em xin cảm ơn và Rất mong được sự tư vấn của Asadona ạ.

    1. Chào bạn,
      Về vấn để bạn hỏi Asadona xin trả lời như sau:
      1. Tên nhãn hiệu “Mồi câu cá Hùng Vương” hoàn toàn hợp lệ và có thể được cấp bảo hộ nhãn hiệu. Bằng chứng là Cục sở hữu trí tuệ đã ra quyết định chấp nhận đơn ngày 24/01/2017.
      2. Đúng là văn bằng bảo hộ có thể được cấp sau khoảng 15 tháng sau khi chấp thuận đơn. Tuy nhiên do lượng đơn quá nhiều, cục SHTT hoàn toàn có thể quên mất việc cấp đơn cho bạn (rất nhiều doanh gnhiệp đã bị như vậy) cho nên bạn cần liên hệ với họ, gửi công văn nhắc nhở và nộp phí để họ sớm cấp văn bằng bảo hộ cho bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.