Nội dung chính
Gần đây việc mua bán các công ty sản xuất công nghiệp diễn ra thường xuyên hơn. Doanh nghiệp mua lại tiếp quản nhà xường và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới phát hiện công trình nhà xưởng chưa được hoàn công và đăng ký biến động để đưa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Asadona nhận thực hiện công việc này cho khách hàng và với kinh nghiệm thực thế chúng tôi xin cung cấp một số thông tin giúp khách hàng tham khảo trước khi thực hiện thủ tục phức tạp này.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Hồ sơ pháp lý hoàn công công trình:
- Tờ trình kiểm tra hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng.
- Những giấy phép đầu tư của chủ đầu tư.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất.
- Giấy phép xây dựng.
- Hồ sơ thiết kế: bản vẽ cấp phép xây dựng.
- Hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn thực hiện khảo sát xây dựng, thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng chính; giám sát thi công, xây dựng.
- Các tài liệu chứng minh điều kiện năng lực của các nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, thi công (giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề).
- Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Giấy phép PCCC, giấy nghiệm thu PCCC.
- Hợp đồng đấu nối nước thải với nhà xử lý nước thải KCN (hoặc xác nhận công trình đã đấu nối hệ thống nước thải).
Bộ tài liệu quản lý chất lượng hoàn công nhà xưởng:
- Bản vẽ hoàn công nhà xưởng (kiến trúc, kết cấu, điện, nước, thu lôi, chống sét…).
- Các tài liệu, biên bản nghiệm thu giai đoạn đưa vào sử dụng từng hạng mục: móng, thân, hòan thiện, kỹ thuật, lắp đặt thiết bị.
- Biên bản thử và nghiệm thu các thiết bị phòng cháy chữa cháy.
- Nhật ký thi công công trình.
- Các kết quả thí nghiệm: kéo thép, bêtông…
- Hồ sơ giải quyết sự cố công trình.
- Báo cáo chất lượng công trình.
- Biên bản nghiệm thu hoàn thành từng hạng mục công trình.
- Biên bản nghiệm thu hòan thành công trình để đưa vào sử dụng.
Đăng ký biến động đất đai
Các trường hợp đăng ký biến động đất đai
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 95 Luật Đất đai thì đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế… Cụ thể các trường hợp sau phải đăng ký biến động:
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
- Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
- Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
- Chuyển mục đích sử dụng đất;
- Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
- Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
- Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
- Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
- Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai
Đăng ký biến động trong trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng
Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và sửa đổi bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng. Người sử dụng đất có nhu cầu đăng ký biến động phải tiến hành hoàn thiện một bộ hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với với đất theo mẫu số 09 đính kèm thông tư 24/2014/BTNMT;
- Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;
Một số giấy tờ liên quan đến nội dung biến động:
- Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.
- Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;.
- Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
- Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
Đăng ký biến động trong trường hợp thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ vào khoản 6 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 7 Thông tư 33/2014/TT-BTNMT thì hồ sơ trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được đổi tên; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận gồm có:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09 đính kèm thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động:
- Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên;
- Bản sao sổ hộ khẩu đối với trường hợp thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ;
- Văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên;
- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên;
- Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp có ghi nợ hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp có hạn chế theo quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp có thay đổi hạn chế theo văn bản chuyển quyền sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận thay đổi hạn chế của người có quyền lợi liên quan, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
- Bản sao một trong các giấy tờ thể hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tài sản gắn liền với đất đã ghi trên Giấy chứng nhận. Bạn có thể tham khảo các giấy tờ được quy định tại các Điều 31,32,33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP để hiểu rõ hơn.
Đăng ký biến động trong trường hợp xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn
Khi thực hiện thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hồ sơ gồm có:
- Văn bản thanh lý hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Ngoài các trường hợp nêu trên thì còn một số trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động và quy định hồ sơ được ghi nhận tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.
Trình tự đăng ký biến động đất đai
Tại UBND cấp quận/huyện/trị trấn thì người có nhu cầu đăng ký biến động sẽ phải kê khai nghĩa vụ tài chính sau đó nộp hồ sơ thực hiện đăng ký biến động được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng tài nguyên môi trường cấp quận/huyện/thị trấn.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
- Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
- Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
- Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 95 của Luật Đất đai thì thời hạn thực hiện đăng ký biến động đất đai là không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động.
Chi phí thực hiện trình tự đăng ký biến động đất đai
Việc đăng ký biến động đất thực hiện đối với khá nhiều trường hợp, mỗi một trường hợp hợp sẽ có các chi phí phát sinh khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản việc đăng ký biến động đất đai sẽ có các chi phí chính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân: 2% tính theo khoản thu nhập của cá nhân có được (thường là giá ghi trên hợp đồng);
Lệ phí trước bạ: 0,5% được tính dựa trên so sánh giữa giá bán ghi trên hợp đồng với giá của nhà nước quy định tính theo giá đất cụ thể của bảng giá đất. Giá nào cao hơn thì sẽ áp giá đó để tính lệ phí trước bạ;
Và một số chi phí phát sinh khác như: phí công chứng, phí thẩm định hồ sơ, phí địa chính đo đạc, phí là giấy chứng nhận…
Cơ sở pháp lý
Luật đất đai 2013;
Luật thuế thu nhập cá nhân 2007;
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đất đai 2013;
Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
Nghị định 140/2016/NĐ-CP lệ phí trước bạ;
Thông tư số 24/ 2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính;
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Dịch vụ làm thủ tục hoàn công nhà xường và đưa công trình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Đồng Nai
Asadona nhận thực hiện thủ tục giúp doanh nghiệp hoàn công công trình nhà xưởng và đưa công trình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu, TP. HCM. Khách hàng doanh nghiệp vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn vào báo chi phí thực hiện tận nơi.